Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp với tài sản của Besra

(PLO) - Do chây ỳ không trả nợ, bị chủ nợ khởi kiện, Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu - Tập đoàn Besra Inc bị TAND huyện Phú Ninh, Quảng Nam quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản để đảm bảo việc thi hành án.
Ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra có khả năng sẽ phải hầu Tòa về lời lẽ không hay với ông Thục, chủ nợ của mình
Ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra có khả năng sẽ phải hầu Tòa về lời lẽ không hay với ông Thục, chủ nợ của mình
Xem xét kiện Chủ tịch Tập đoàn Besra xúc phạm danh dự?
Tập đoàn Besra, “mẹ” của Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Cty TNHH Vàng Phước Sơn dù biện hộ thế nào cũng không khỏa lấp được sự phi lý khi đào được gần 7 tấn vàng tại hai mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, đó là mỏ Bồng Miêu và mỏ Đắk Sa, nhưng đến nay vẫn không chịu trả nợ gần 300 tỷ đồng cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và hàng trăm tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân. Một tấn vàng hiện có giá hơn 800 tỷ đồng.
Như PLVN đề cập, tại cuộc họp báo do Tập đoàn Besra tổ chức sáng 7/8 tại Khách sạn Lê Dung ở TP.Tam Kỳ, Quảng Nam để trần tình về số nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng, một số chủ nợ của Tập đoàn Besra cũng có mặt với nguyện vọng là một lần được gặp ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra để có cam kết trả nợ.
Ông Lê Đình Thục, Giám đốc Cty TNHH TMDV Xăng dầu Trường Xuân (Cty Xăng dầu Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) bức xúc, hiện Tập đoàn Besra nợ Cty ông hơn 6,6 tỷ đồng và nợ Cty TNHH Tân Nhật Minh (TP.Tam Kỳ) của ông Bùi Ngọc Lượng hơn 7,2 tỷ đồng.
Ông Thục nói: “Tôi rất muốn gặp ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra để hỏi về việc cam kết trả nợ cho Cty chúng tôi. Tập đoàn Besra nợ Cty chúng tôi hơn 6,6 tỷ đồng. Cty đã nộp đơn kiện 2 Cty vàng của Tập đoàn Besra ra TAND huyện Phú Ninh và TAND huyện Phước Sơn. Tòa án đang thụ lý, để hòa giải, vậy mà có người của Besra điện cho tôi thách đố rằng: “Anh có kiện đi đâu cứ kiện, chứ pháp luật Việt Nam không làm gì được người nước ngoài chúng tôi đâu”. Vậy tôi hỏi ông David Seton là số nợ của Cty khi nào Tập đoàn Besra trả đầy đủ?”.
Ông David Seton đáp lại: “Tôi có bằng chứng là Cty của anh ăn cắp xăng dầu của chúng tôi. Xe chở xăng dầu của Cty anh đã được chúng tôi gắn thiết bị theo dõi và có được chứng cứ hết rồi. Người như anh là không trung thực! Anh ra khỏi phòng ngay!”. Ông David Seton yêu cầu nhân viên dẫn ông Thục và ông Lượng ra khỏi phòng họp báo. 
Trao đổi với phóng viên sáng 8/8, Giám đốc Cty Xăng dầu Trường Xuân rất bức xúc trước thái độ xem thường chủ nợ, với lời lẽ khiếm nhã của Chủ tích Tập đoàn Besra. Ông Lê Đình Thục cho biết: “Khi báo chí đăng lên, sáng nay có rất nhiều bạn bè, đối tác làm ăn điện hỏi sao ông là chủ nợ của họ, ông đang đi đòi nợ đàng hoàng mà bị David Seton “đuổi” ra khỏi phòng vậy. Còn có lời lẽ xúc phạm ông ăn cắp xăng dầu khi cung cấp cho bên đó nữa. Tôi cũng đang nhờ một vài anh em hiểu biết pháp luật tư vấn có nên kiện ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra ra Tòa về hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm tôi ngay chỗ đông người...”. 
Ông Lê Đình Thục, Giám đốc Cty Xăng dầu Trường Xuân đang xem xét kiện ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra ra tòa
Ông Lê Đình Thục, Giám đốc Cty Xăng dầu
Trường Xuân đang xem xét kiện ông David Seton,
Chủ tịch Tập đoàn Besra ra tòa
Tòa án ra quyết định cấm 
dịch chuyển tài sản
Ngày 1/1/2011, Cty của ông Thục ký hợp đồng cung cấp xăng dầu cho Cty Khai thác vàng Bồng Miêu. Ngày 5/12/2013, khi đối chiếu công nợ, Cty Khai thác vàng Bồng Miêu nợ Cty ông Thục hơn 1,1 tỷ đồng. Tương tự, Cty Vàng Phước Sơn nợ Cty ông Thục hơn 5,7 tỷ đồng. Cty ông Thục đòi nhiều lần nhưng Tập đoàn Besra vẫn không chịu trả. Hậu quả, Cty ông Thục phải trả tiền lãi ngân hàng mỗi tháng gần 60 triệu đồng. 
Ông Thục bức xúc: “Khi chúng tôi ký hợp đồng cung cấp xăng dầu cho 2 Cty vàng của Tập đoàn Besra, họ nói hoành tráng lắm: “Xe của Cty anh chở dầu lên đến là nhận tiền”. Vậy mà Cty cho xe chở xăng dầu lên, 2 Cty này kiểm tra tiếp nhận đầy đủ số lượng nhưng đến nay vẫn không trả nợ. Chính số tiền mà Tập đoàn Besra đang nợ khiến Cty lâm vào khó khăn. Tôi đi đòi miết nhưng Tập đoàn Besra có ý định xù nợ, tẩu tán tài sản tại Cty Khai thác vàng Bồng Miêu. Sợ mất luôn số tiền mà Tập đoàn Besra nợ, nên Cty phải nộp đơn kiện ra TAND huyện Phú Ninh và TAND huyện Phước Sơn để nhờ pháp luật phân xử”.
Ngày 10/3/2014, Cty Xăng dầu Trường Xuân đã phát đơn kiện đến TAND huyện Phú Ninh, nơi Cty Khai thác vàng Bồng Miêu “đứng chân”. Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, TAND huyện Phú Ninh tổ chức hòa giải nhưng Tập đoàn Besra không có mặt. Sau nhiều lần hoãn, đến ngày 15/7/2014, TAND huyện Phú Ninh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự “Vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán” giữa Cty Khai thác vàng Bồng Miêu và Cty Xăng dầu Trường Xuân, song Tập đoàn Besra vẫn vắng mặt. Cuối cùng, TAND huyện Phú Ninh tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Xăng dầu Trường Xuân; buộc Cty Khai thác vàng Bồng Miêu của Tập đoàn Besra phải có trách nhiệm trả cho Cty Xăng dầu Trường Xuân số tiền hơn 1,2 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 1,1 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 63 triệu đồng).
Tuy nhiên, ngay sau khi TAND huyện Phú Ninh có quyết định thụ lý vụ kiện dân sự này vào ngày 12/3/2014 và trước khi đưa vụ án ra xét xử công khai, đảm bảo có tài sản để thi hành án cho đương sự là Cty Xăng dầu Trường Xuân, cũng như ngăn ngừa kịp thời đúng pháp luật không để Cty Khai thác vàng Bồng Miêu - Tập đoàn Besra tẩu tán, di chuyển, cầm cố tài sản, TAND huyện Phú Ninh đã ra 3 quyết định (QĐ) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các tài sản của Cty Khai thác vàng Bồng Miêu có địa chỉ tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. 
QĐ số 01 ngày 13/3/2014, QĐ số 02 ngày 25/3/2014 và QĐ số 03 ngày 14/5/2015 của TAND huyện Phú Ninh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Cty Khai thác vàng Bồng Miêu - Tập đoàn Besra là cấm Cty này cầm cố, mua bán, sang tên, tặng cho đối với 3 chiếc xe ô tô của Cty Khai thác vàng Bồng Miêu đứng tên đăng ký sở hữu để đảm bảo tài sản cho việc thi hành án. Đó là xe BKS 43LD- 0299 (hiệu Santafe) loại 7 chỗ; xe 92C-035.33 (hiệu Toyota) loại bán tải và chiếc 43LD-0409 hiệu Toyota loại bán tải. 
Theo TAND huyện Phú Ninh, sau khi xử lý xong số tài sản đã được kê biên nói trên, Cty Xăng dầu Trường Xuân được hoàn trả số tiền thực hiện biện pháp bảo đảm là 35 triệu đồng của nguyên đơn vụ kiện. Ngoài ra, Cty Khai thác vàng Bồng Miêu phải nộp án phí là hơn 48 triệu đồng. 
Thách đố đòi được nợ
Còn vụ kiện Cty Vàng Phước Sơn đòi hơn 5,7 tỷ đồng, ông Thục cho biết, Tập đoàn Besra đã có ý đồ thách đố đòi được nợ, còn cho rằng Tòa án và cơ quan thi hành án cũng “không làm được gì”. “Cty chúng tôi gửi đơn kiện đòi nợ lên TAND huyện Phước Sơn, khi hòa giải, Tập đoàn Besra vẫn xác nhận đang nợ Cty hơn 5,7 tỷ đồng, đúng với “Biên bản đối chiếu công nợ” giữa 2 Cty lập ký ngày 2/1/2014. Họ đưa ra cam kết đồng ý trả nợ cho tôi với thời hạn 24 tháng và bắt đầu trả từ tháng thứ nhất. Tôi không đồng ý và yêu cầu trả trong vòng 12 tháng. Khi chuẩn bị hòa giải lần hai, bất ngờ ông Darin Lee, Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Besra (người gốc Trung Quốc, nhưng quốc tịch New Zealand) gọi điện nói chỉ đồng ý trả nợ 5,7 tỷ đồng với thời hạn 24 tháng, nhưng chỉ trả nợ tính từ tháng thứ 24... Tôi nói lại là trong vòng 24 tháng, mà ông cam kết ban đầu trả từ tháng thứ nhất mà có trả được không mà bây giờ còn nói chỉ đồng ý trả nợ tính từ tháng thứ 24 là sao? Ông ấy thách đố kiện ra Tòa cũng chẳng làm gì được, còn nói là Tòa và cơ quan thi hành án không làm gì được tài sản của họ nữa”.
Đến ngày 29/7/2014, TAND huyện Phước Sơn mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự “Vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán” giữa Cty Vàng Phước Sơn và Cty Xăng dầu Trường Xuân, nhưng Tập đoàn Besra vẫn vắng mặt và gửi đơn lên Tòa án cho rằng Cty Xăng dầu Trường Xuân gian lận khi cung cấp xăng dầu. Khi TAND huyện Phước Sơn có văn bản yêu cầu Cty Vàng Phước Sơn - Tập đoàn Besra cung cấp chứng cứ để Tòa xem xét, Tập đoàn Besra không cung cấp được.
Cuối cùng, TAND huyện Phước Sơn tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Xăng dầu Trường Xuân và buộc Cty Vàng Phước Sơn phải trả cho Cty ông Thục số tiền nợ dai dẳng: hơn 5,5 tỷ đồng và 237 triệu đồng tiền lãi.
Cầm các bản án thắng kiện trong tay nhưng ông Thục không vui vẻ bởi theo lời ông, việc đòi được hơn 6,6 tỷ đồng mà Tập đoàn Besra nợ rất khó. Ông Thục lý giải: “Hơn 250 tỷ đồng tiền truy thu thuế xuất khẩu vàng của Tổng cục Hải quan mà Tập đoàn Besra còn “chạy” được, chưa kể gần 300 tỷ đồng nợ chắc gì Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đòi được. Tại buổi họp báo, ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra còn tự tin nói: “Besra đang chờ xem xét của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và đang gửi thư ngỏ lên Văn phòng Chính phủ...”. Cho nên khi nợ Cty chúng tôi hơn 6,6 tỷ đồng, chưa kiện ra Tòa và khi kiện ra Tòa, họ có âm mưu để trốn nợ và tẩu tán tài sản rồi. Thái độ của Tập đoàn Besra là kiểu làm ăn lừa gạt”. 
Ông Bùi Ngọc Lượng, Tổng Giám đốc Cty TNHH Tân Nhật Minh cũng đang bị Tập đoàn Besra nợ hơn 7,2 tỷ đồng. Có mặt tại buổi họp báo và cũng được mời ra, ông Lượng cho biết, hiện Tập đoàn này cũng “cam kết” trả nợ nhưng họ chưa lấy được đồng nào, dù công ty cho không Besra tiền lãi suất ngân hàng. Cty TNHH Tân Nhật Minh có ý định kiện ra Tòa án để đòi nợ, nhưng Cty Khai thác vàng Bồng Miêu hiện không còn tài sản giá trị lớn để kê biên, xiết nợ.  
Theo ông Lượng, Cty này chỉ đầu tư vài khu tuyển lặng quặng vàng, chiết xuất vàng, còn máy móc, xe cộ vận chuyển quặng... đều thuê các doanh nghiệp ở Quảng Nam. Khi Cty đóng cửa, mấy doanh nghiệp cho thuê thiết bị đã chở hết máy móc của họ về. “Còn số máy móc có giá trị, “đại gia” vàng cũng vận chuyển lên Cty Vàng Phước Sơn hết… Tập đoàn Besra sẽ không “nhả” mỏ vàng Bồng Miêu đâu, vì Cty Khai thác vàng Bồng Miêu đang hưởng thuế tài nguyên có 3%, nên họ sẽ vận chuyển vàng khai thác được từ Cty Vàng Phước Sơn xuống, hợp thức hóa bán để trả thuế tài nguyên 3%” - ông Lượng nhận định.

Đọc thêm