Tham dự Hội nghị có Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón; Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh… cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2021, các Tòa án đã làm tốt các nhiệm vụ, công tác đề ra, tạo những chuyển biến tích cực trên mọi mặt mặt công tác. Đặc biệt chất lượng giải quyết các vụ án xét xử, các loại vụ việc tiếp tục được nâng lên, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, tòa án có một số ứng dụng về công nghệ thông tin theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải hoãn, dừng. Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ đưa ứng dụng trợ lý ảo vào hoạt động nghiệp vụ. Trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký làm việc thường xuyên với các thẩm phán, tư vấn cho các thẩm phán ứng dụng pháp luật, điều khoản pháp luật.
|
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. |
Theo lời Chánh án TAND Tối cao, khi ứng dụng trợ lý ảo phát triển hoàn thiện, cơ quan này sẽ mở rộng phạm vi, cho phép người dân sử dụng trợ lý ảo làm tư vấn pháp lý khi gặp tình huống pháp lý tương tự vụ án của mình. Khi đó, người dân tham khảo từ trợ lý ảo để đưa ra quyết định có nên tiếp tục kháng cáo, khiếu kiện hay không... “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để công chúng sử dụng như một dịch vụ tư pháp công, nâng cao trình độ pháp lý cho người dân”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Tại Hội nghị, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các Tòa án đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt tỷ lệ 81,2%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội và Tòa án đề ra.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 79.409 vụ với 138.272 bị cáo (đạt tỷ lệ 89,62% về số vụ và 86,11% về số bị cáo). Trong đó, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.880 vụ với 6.124 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã xét xử 2.263 vụ với 4.125 bị cáo.
Đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên,… Đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 324.813 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%). Chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan; làm tốt việc hướng dẫn đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu vụ án.
Cùng với công tác giải quyết, xét xử các loại án, TAND còn triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng và kiểm tra công tác chuyên môn…
Trong năm 2022, Tòa án sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, phấn đất đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, TAND Tối cao đã đề ra; tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, phát triển án lệ và giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ…