Tòa cấp cao khẳng định không đủ căn cứ buộc tội cựu Bí thư Bến Cát: Ông Nguyễn Hồng Khanh đã bị hiểu nhầm ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 25/5 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM khẳng định chưa đủ cơ sở buộc tội ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Dương, cựu Bí thư TX Bến Cát) gây thất thoát tài sản nhà nước. Phán quyết này khiến một lần nữa dư luận thắc mắc về nghi án rắc rối này.
Ông Khanh kêu oan từ khi bị điều tra đến nay.
Ông Khanh kêu oan từ khi bị điều tra đến nay.

Trước đó, khi ông Khanh bị bắt tạm giam hồi cuối 2018, khi thông tin còn chưa rõ ràng, không ít người hiểu nhầm rằng thời điểm là cán bộ quyền lực bậc nhất địa phương, ông Khanh đã “câu kết” cán bộ ngân hàng “mua đất giá rẻ” của một bà cụ; nghi ngờ ông Khanh làm gì mà lại có hàng chục tỷ đồng?

Những câu hỏi này đã được PLVN đặt ra với ông Khanh và nhiều nhân chứng bên lề phiên xử ngày 25/5 vừa qua.

Khu đất oan nghiệt

Tại Bình Dương, gia đình ông Khanh và vợ là bà Huỳnh Thị Phương Anh (bác sĩ BV Nhi đồng 1 TP HCM, quê huyện Dầu Tiếng) có tiếng là buôn bán giỏi hàng chục năm nay. Những năm 2007, mủ cao su là “vàng trắng”, nhiều người phất lên, vợ chồng mượn tiền hai bên nội ngoại, cùng số tiền gom góp nhiều năm mua 10ha cao su tại Dầu Tiếng; giá 6,5 tỷ đồng. 

Từ 2007 đến 2012, tiền thu được từ mủ cao su, họ trả góp được căn hộ ở Sài Gòn 2,4 tỷ đồng.

Năm 2012, một biến cố xảy ra. Khi đó ông Khanh làm ở Phòng Tài chính Bến Cát, ngoài giờ làm chạy đi chạy lại lên Dầu Tiếng chăm vườn hoặc về TP HCM với vợ con. Sinh con thứ hai, vợ ông Khanh bị trầm cảm, một mình không thể chăm được hai con. 

Vợ chồng quyết định bán 10ha cao su Dầu Tiếng, tìm mua cao su ở Bến Cát, gần chỗ làm và gần gia đình ông Khanh để nhờ trông coi chăm sóc. Ông Khanh sẽ được về với vợ con hàng ngày tại TP HCM. Khoảng tháng 8/2012, họ bán 10ha cao su Dầu Tiếng giá 5,5 tỷ, lỗ 1 tỷ đồng.  

Trước khi mua đất, ông Khanh kể: “Tôi cẩn thận đến mức phải có sự đồng ý của ngân hàng thì mới mua. Vì khả năng của tôi đã eo hẹp, đất mua để trồng cao su ngay nên cần đầy đủ pháp lý. Lại sợ người ta lời ra tiếng vào là cán bộ địa phương lại mua đất của người địa phương, tôi để vợ đứng ra giao dịch”.

Ông Khanh cho hay ưng ý khu đất vì nằm ngay ở quê ông, chỉ cách nhà em trai chừng 2km, cách nhà cha mẹ đẻ ông Khanh khoảng 4km. Vị trí rất thuận lợi, vừa gần nơi làm việc của ông Khanh, lại có thể nhờ gia đình đến trông coi, quản lý thường xuyên hơn. 

Tổng số tiền mua khu đất 15 tỷ, là tiền bán 10ha cao su Dầu Tiếng, bán căn hộ tại Sài Gòn, tiền chắt chiu và vay mượn; đến nay còn nợ hai bên gia đình hàng trăm lượng vàng và tiền mặt 2 tỷ đồng.

Một góc khu đất oan nghiệt vợ chồng ông Khanh mua phải.
Một góc khu đất oan nghiệt vợ chồng ông Khanh mua phải. 

Chỉ còn lại những day dứt, uất ức

Trước khi mua đất, ông Khanh cho hay không hề biết cụ Hiệp là ai, không biết khu đất ở đâu và đang bị thế chấp ngân hàng.

Cụ Hiệp đưa giá 700 triệu/ha, ông Khanh trả 650 triệu. Cụ Hiệp đồng ý, nói đất đang thế chấp, phải đưa tiền trước để lấy sổ ra mới bán. Ông Khanh không đồng ý, nói phải bán đất sạch, ngân hàng phải đồng ý.

Ông Khanh có duy nhất một lần gặp cụ Hiệp và ông Lộc (cán bộ Ngân hàng BIDV) ở quán café. Ông Khanh chỉ hỏi ngân hàng có đồng ý cho cụ Hiệp bán đất hay không? Ông Lộc nói đã xin chủ trương và ngân hàng đồng ý. Từ đó, mọi việc mua bán như diện tích, giá, phương thức thanh toán, ông Khanh đều thực hiện với cụ Hiệp.

Ông Khanh kể, từ ngày bán đất cho đến khi mất (ngày 11/8/2016), cụ Hiệp vẫn vui vẻ, thường đến nhà ông chơi. Sau khi bán hết đất, cụ xin ở lại căn nhà trên đất một thời gian, ông Khanh đồng ý. Cụ Hiệp dọn ra khỏi nhà vào tháng 3/2016, lập biên bản bàn giao, ông Khanh còn trả thêm cho cụ 500 triệu để có tiền sinh sống.

Cụ Hiệp chưa từng khiếu nại, chưa từng tố cáo ông Khanh o ép hoặc có hành vi trái luật nào liên quan tài sản trên.

Việc ông Khanh không o ép, không câu kết với ngân hàng để ép buộc cụ Hiệp bán đất, không chỉ qua lời ông Khanh. Ngay cả người tố cáo là ông Nguyễn Hiệp Hòa (con cụ Hiệp) cũng thừa nhận không có chứng cứ “o ép”.

Tại phiên sơ thẩm, VKS khẳng định ông Khanh không câu kết cán bộ ngân hàng, không chèn ép cụ Hiệp.

Tại phiên phúc thẩm, cả VKS và HĐXX đều khẳng định cụ Hiệp rao bán tài sản, đăng công khai trên báo; có nhiều người đến hỏi mua nhưng mua với giá thấp; cụ Hiệp từng có văn bản xác nhận ông Khanh là người mua giá gấp đôi với giá những người hỏi mua trước đó; ngân hàng có kiểm tra lại giá và thấy phù hợp; ông Khanh được người môi giới mời chào mua; cán bộ ngân hàng không có sự bàn bạc thỏa thuận nào với cụ Hiệp, ông Khanh … Không có cơ sở để nói việc xử lý tài sản thế chấp là rẻ do có sự bàn bạc câu kết hoặc cụ Hiệp bị o ép phải bán đất giá thấp cho ông Khanh gây thất thoát.

Cấp phúc thẩm cũng xác định quan hệ mua bán giữa ông Khanh với cụ Hiệp đúng luật, không có chuyện cụ Hiệp bị lừa dối, cưỡng ép hoặc không đủ nhận thức. Việc tòa sơ thẩm tuyên các hợp đồng mua bán vô hiệu, tịch thu 1/2 số tiền đã mua bán là không có căn cứ.

Ba năm qua (có 2 năm bị tạm giam), ông Khanh gặp nạn, vợ ông vừa công tác vừa nuôi hai con nhỏ. Gần 8 tháng nay tại ngoại, sức khỏe yếu sau mấy lần bị tai biến trong trại giam, ông Khanh bệnh tật, tai điếc phải mang máy trợ thính, chân thường bị co rút không thể đứng lâu. Căn nhà nhỏ duy nhất của hai vợ chồng trong con hẻm tại quận 3 (TP HCM) đã phải bán đi để trả nợ, thuốc thang. Hiện vợ chồng, con cái phải đi ở nhà thuê.

“Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao dồn tất cả tài sản gom góp, vay mượn để đầu tư vào cao su; mà phải mất hết danh dự, bị xóa sạch công lao cống hiến mấy chục năm làm nhà nước, mất hết tài sản, còn vướng lao lý”, ông Khanh day dứt.

Nhân chứng đặc biệt tại phiên xử:

Trong vụ án này, có một nhân chứng đặc biệt là bà Nguyễn Thị Luyến (ngụ TP HCM) tự tìm đến tòa. “Thông qua báo chí, tôi biết được vụ án ông Khanh bị oan. Tôi không biết việc ông Khanh mua bán với cụ Hiệp thế nào nhưng tôi biết rất rõ khu đất cụ Hiệp. Tôi thấy định giá 1ha có giá 1,6 tỷ đồng trở lên là quá cao nên bức xúc ra làm chứng”.

Theo nhân chứng Luyến, khoảng tháng 4/2012, muốn mua xưởng sản xuất nên được “cò” dẫn vào nhà cụ Hiệp và “thả” giá 580 triệu đồng/ha, vẫn cụ Hiệp đồng ý. Sau đó nhận thấy không phù hợp, bà Luyến không mua nữa.

Đọc thêm