Vấn nạn trẻ em bị bỏ rơi là một trong những vấn đề đang nhức nhối hiện nay. Từ việc làm rõ định nghĩa, thực trạng, nguyên nhân, hội thảo đem đến cái nhìn toàn diện, sâu sắc, đồng thời gợi mở một số giải pháp thiết thực, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.
Trong suốt quá trình diễn ra buổi tọa đàm, khi nói về thực trạng trẻ em bị bỏ rơi, bà Đặng Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nhấn mạnh: “Vấn đề trẻ em bị bỏ rơi không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà cả thế giới, và pháp luật quốc gia cũng như pháp luật thế giới đều có những quy định chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ trẻ em bị bỏ rơi".
Khi được hỏi về giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn này từ kinh nghiệm của quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, Phó Viện trưởng Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Mỹ có CLB hỗ trợ bà mẹ và trẻ em sơ sinh của ĐH Harvard, kết nối để chăm sóc tư vấn hỗ trợ dạy dỗ để nuôi trẻ sơ sinh hay chương trình mô hình chăm sóc thay thế của Thụy Điển chia sẻ cho Việt Nam, tìm kiếm gia đình nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Các nước Pháp, Ý, Thụy Điển có mô hình tài trợ nuôi trẻ bị bỏ rơi. Úc có mô hình “Nôi thiên thần”, nôi điện đảm bảo độ ấm và tiếng chuông, giúp đảm bảo sự sống của đứa trẻ....”
Ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó trưởng phòng Phòng công tác sinh viên, Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội cũng nhấn mạnh, đây là một hoạt động có ý nghĩa gắn kết, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Do đó, ông Tùng hy vọng rằng sau này các em sinh viên sẽ càng cố gắng và có thêm nhiều hoạt động bổ ích hơn nữa.
Tọa đàm đã khép lại nhưng vấn nạn về trẻ em bị bỏ rơi vẫn để lại biết bao trăn trở, sự quan tâm của cộng đồng là nguồn động lực to lớn để các bạn trẻ kiên định trên con đường hoạt động vì một xã hội tốt đẹp hơn.