Người dân địa phương luôn sống trong cảnh lo sợ bệnh tật khi sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Ám ảnh bệnh tật
Sống trong bệnh tật đã hơn 15 năm, đã trải qua hai lần mổ đại tràng, ruột thừa dẫn đến mất sức lao động, ông Dương Văn Chợ cho rằng, do phải tiếp xúc với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh dẫn đến hệ tiêu hóa kém. "Nước sông thì ô nhiễm, nước giếng khoan thì hôi, nước nhiễm phèn bơm lên phèn đóng một lớp ai mà dùng được, mà tiền mua nước quá nhiều quá cao", ông Chợ than.
|
Người dân phải dùng máy bơm nước ở sông lên để tắm giặt |
Ông Trịnh Đình Chưởng phản ánh thêm, từ lâu người dân khóm Long Quới phải chịu cảnh sống chung với nguồn nước sông bị ô nhiễm, nước giếng khoan thì bị nhiễm phèn. Mùa nắng thì bơm nước sông lên để lắng còn mùa mưa thì tích trữ nước mưa để sử dụng, bởi mùa mưa nước sông rất đục.
"Nước ở đây phải qua sàng lọc, để lắng thì mới sử dụng mà chỉ để tắm giặt… không lọc thì chẳng ai dám dùng, còn nước uống thì phải mua nước thùng đóng chai. Cháu nội tôi còn nhỏ, việc tắm rửa và pha sữa cho cháu phải dùng nước đóng chai hoàn toàn, không dám cho cháu tắm nước không đảm bảo vệ sinh", ông Chưởng nói.
|
Bể 3 ngăn để lắng lọc nước sông, nước giếng đào. |
"Tốn" 70 triệu đồng mới có nước sạch?
Theo ông Trịnh Đình Chưởng, mới đây, có một số nhân viên công ty cấp nước Đồng Nai đến đo đạc khảo sát thiết kế hệ thống cấp nước và đồng hồ để lắp đặt đường ống dẫn nước vào nhà người dân. "Mấy chú đó cho biết chiều dài đường ống nước dẫn từ đường ống chính vào nhà tôi khoảng 201m, ước là 70 triệu đồng. Trước khát nước sạch nhà nước đem nước về gần nhà rồi, bây giờ lại khát tiền", ông Chưởng giãi bày.
|
Nước giếng đào bơm lên màu vàng đục. |
Nhiều hộ dân trên địa bàn khóm Long Quới ấp Tam Hòa cũng lo lắng, bức xúc trước thông tin tiền đấu nối lắp đặt đường ống nước sạch quá cao. Như thế cũng có nghĩa, họ sẽ phải chấp nhận sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh mặc dù nước sạch đã về trước ngõ.
Cấp nước miễn phí
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật công ty cấp nước Đồng Nai cho biết, trước đây xã Hiệp Hòa là một xã vùng ven không có hạ tầng, đường dẫn nước kết nối qua.
|
Những bình nước mà người dân mua để sử dụng. |
"Cấp nước phải làm theo quy hoạch, chúng tôi đang đợi làm hoàn chỉnh đường Đặng Văn Trơn để "đi theo" hệ thống cáp quang, điện lực, ống nước… Trước mắt, chúng tôi lắp đường ống tạm để người dân khóm Long Quới, ấp Tam Hòa có nước dùng", ông Tăng thông tin.
|
Chum nước mưa người dân tích trữ để sinh hoạt |
Trước thông tin đội khảo sát thiết kế hệ thống cấp nước và đồng hồ để lắp đặt đường ống dẫn nước vào nhà ông Trịnh Đình Chưởng tạm tính 70 triệu đồng cho 201m tính từ đường ống chính, Trưởng phòng kế hoạch kỹ thuật công ty cấp nước Đồng Nai cho biết, các hộ dân được lắp đặt miễn phí đồng hồ nước và 4m đường ống. Từ 4m trở đi thì người dân tự lắp đặt. Theo tiến độ thì đến ngày 5/3 sẽ tiến hành lắp đặt cho 67/163 hộ đã ký hợp đồng sử dụng nước.
Trên trang wed dowaco.vn của công ty cấp nước Đồng Nai có nêu:
- Lắp đặt miễn phí đồng hồ nước cho khách hàng với chiều dài đường ống nhánh Ø≤ 25mm từ đường ống phân phối cấp nước đến cụm đồng hồ ≤ 4mét (trong trường hợp đã có tuyến ống cấp nước phân phối của công ty).
- Khách hàng thanh toán chi phí do phát sinh chiều dài ống nhánh >4m, cắt bê tông (nếu có) theo bảng chiết tính được lập của công ty.
- Trong trường hợp chưa có đường ống cấp nước phân phối của công ty (hoặc khoảng cách xa khu vực lắp đặt) thì các hộ dân đóng góp kinh phí để lắp đặt đường ống phân phối cấp nước.
Sau 4m nếu người dân không đủ năng lực, điều kiện (nhân công, dụng cụ kỹ thuật) để lắp đặt đường ống dẫn nước có thể liên hệ với công ty cấp nước để biết rõ về chi phí lắp đặt đường ống dẫn nước theo quy định của nhà nước, để tránh tình trạng lắp đặt sai quy cách gây thất thoát, lãng phí nguồn nước sinh hoạt.