Tôn trọng tự do học thuật khi làm luật

(PLO) - Tuần qua, “sự kiện” được dư luận quan tâm đặc biệt chính là phiên thảo luận góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Phải nói là “nóng”. Nóng đến mức, ngày thứ bảy (27/5), phải mở hội nghị để các đại biểu tiếp tục góp ý. Tất nhiên, hội nghị diễn ra căng thẳng, sôi nổi.
Tôn trọng tự do học thuật khi làm luật

Xin nhắc lại rằng, Bộ luật Hình sự 2015 (tức Luật số 100/2015/QH13) mới được Quốc hội (QH) khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.

Do tính chất hệ trọng của Luật, chợt nhớ lại, tại Kỳ họp thứ 2 cuối năm 2016, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã bày tỏ: “Không yên tâm khi thông qua ngay Bộ luật Hình sự”. “Chúng ta phải làm kỹ, vì nếu luật thông qua rồi, áp dụng  vào cuộc sống rồi mà vẫn còn sai sót thì lúc đó hậu quả sẽ rất lớn”, một ĐBQH TP HCM đã phát biểu như vậy.

Những nội dung chưa được tranh luận rốt ráo tại phiên họp toàn thể của QH ngày 24/5.đã gây ra những xôn xao, bức xúc, như chuyện có ĐB dùng từ “bất trung” khi phát biểu về nội dung quy định quyền miễn trừ của luật sư khi họ không tố giác tội phạm là thân chủ của mình. 

Quan hệ giữa luật sư và người do mình bào chữa là một trong những vấn đề rất cơ bản của hệ thống tư pháp, tạo sự cân bằng, điều kiện để đảm bảo công lý, quyền con người. Liên Hợp Quốc cũng đã có công ước đề nghị các nhà nước phải đảm bảo quyền bí mật của hành nghề luật sư. Ở nhiều nước, chỉ quy định luật sư phải tiết lộ thông tin (không gọi là tố giác) đối với những hành vi đang diễn ra, sẽ diễn ra. Đối với các tội phạm đã diễn ra, luật pháp nhiều nước quy định, không bắt buộc luật sư phải tố giác. 

Qua thảo luận về Bộ luật Hình sự năm 2015 tại kỳ họp đang diễn ra, mừng vì thấy không khí “tự do học thuật” khi tranh luận; lo vì không thiếu những phát biểu mang tính suy diễn, tư duy “xin – cho” khi làm luật. 

Hơn rất nhiều luật khác/xây dựng mới hoặc sửa đổi, Bộ Luật Hình sự quy định chi tiết lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, do vậy đòi hỏi nhiều thời gian, công sức tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế nhưng đáng tiếc thời gian vật chất dành cho việc nghiên cứu, sửa đổi từ Kỳ họp 2 đến Kỳ họp 3 là quá ngắn.

Xin nhắc lại Bộ luật Hình sự 2015 đáng lẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, tuy nhiên, sau khi QH bấm nút thông qua đã phát hiện ra hơn 90 nội dung sai sót do vậy đã phải “lùi hiệu lực thi hành” theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của QH.

Hiện nay, trong quá trình xây dựng luật, các chuyên gia chưa có điều kiện phát biểu nhiều để thuyết phục QH; thậm chí chưa được lắng nghe thỏa đáng. Đã đến lúc cần phải tiếp tục phát huy tinh thần “tự do học thuật”, tôn trọng phản biện hơn là “nhất quyết” phải thông qua khi còn những nội dung “lăn tăn”.

Sai sót trong Bộ luật Hình sự có thể gây oan sai, bỏ lọt tội phạm, do vậy càng đòi hỏi được tranh luận thấu đáo.

Đọc thêm