Mất nơi làm ăn buôn bán
Năm 1984, thương binh Hoàng Đức Quế cùng một số gia đình thương binh được UBND thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) cho phép tôn tạo đổ đất lấn biển làm nơi buôn bán hải sản phía sau gần chợ Hạ Long 1 (tổ 8, khu 1, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) và đi lại bằng một lối đi rộng 1m, dài gần 9m.
Đến nay, khu buôn bán này được chia nhỏ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Tuy nhiên, hiện nay Ban quản lý chợ Hạ Long 1 (BQL) tiến hành xây tường rào bao quanh khu chợ, đồng nghĩa với việc xây bịt lối đi này khiến các tiểu thương và tập thể các thương binh kinh doanh tại đây phản ứng quyết liệt vì cho rằng, BQL chợ không chỉ vi phạm Luật Đất đai và Luật Nhà ở mà còn đẩy những hộ kinh doanh đến chỗ khốn cùng vì mất nơi làm ăn buôn bán.
Trả lời đơn kiến nghị của thương binh Quế và các hộ tiểu thương tại Văn bản số 1992/UBND ngày 28/4/2016, UBND TP Hạ Long cho rằng: Khu đất trên không phải là đất liền, phải đi lại bằng thuyền. Trong quá trình sử dụng đất, ông Quế đã tôn tạo thêm nhưng khi đo bản đồ địa chính vào năm 1997 không thể hiện lối đi của gia đình ông Quế. Do đó, việc ông Quế và các hộ dân kiến nghị sử dụng ngõ đi qua chợ là không có cơ sở.
Trước câu hỏi của phóng viên, nếu không có lối đi cho các hộ dân, sao thành phố lại cấp GCN cho họ? Ông Hồ Ngọc Hoài - Chánh Văn phòng UBND TP Hạ Long cho biết, tại biên bản làm việc ngày 22/6/1996 giữa Đội Thanh tra thành phố với gia đình ông Quế, cùng các hộ dân và Công ty Khách Thủy (đơn vị liền kề) thống nhất phương án cho các hộ dân nơi đây đi nhờ qua Công ty Khách Thủy. Biên bản này chính là cơ sở để thành phố cấp GCN cho gia đình ông Quế và các hộ dân nơi đây.
Trên thực tế, việc đi qua Công ty Khách Thủy liền kề rất bất tiện vì phải đi chung qua cổng, qua sân rồi qua cửa sau của công ty và phải đi thêm một đoạn trên mặt cống ngầm mới vào được khu buôn bán hải sản của gia đình ông Quế và các tiểu thương. Hơn nữa, đây không phải là lối đi riêng, hợp pháp, lối đi này chủ yếu hình thành trên biên bản thỏa thuận và bất cứ lúc nào Công ty Khách Thủy đóng cửa là việc buôn bán khu vực này cũng đóng cửa theo.
Do vậy, người dân và khách mua hải sản không sử dụng lối đi qua Công ty Khách Thủy mà sử dụng lối nhỏ thông sang chợ từ hơn 30 năm nay, và hiển nhiên lối nhỏ đó hình thành trước khi chợ Hạ Long 1 được mở rộng như hiện tại. Cho dù trên sơ đồ thửa đất của gia đình ông Quế và các hộ tiểu thương ở đây không thể hiện lối đi này.
Cần có lối đi cho người dân
Vậy hơn 30 năm qua hàng ngày người dân mua bán hải sản và các hộ kinh doanh ở đây đi lại bằng cách nào? Việc không thể hiện lối đi trên bản đồ địa chính có phải lỗi gia đình ông Quế và các hộ tiểu thương nơi đây? Việc cấp GCN cho các hộ dân mà chỉ căn cứ vào lối đi trên biên bản thỏa thuận như đã nêu trên là đúng hay sai?
Luật sư Trương Xuân Hải – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong trường hợp BQL chợ Hạ Long 1 xây bịt lối đi lại của các hộ dân thì phải có trách nhiệm mở cho họ một lối đi riêng, việc chưa có lối đi riêng mà đã cấp GCN là trái quy định của pháp luật hiện hành, vi phạm Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự tại Điều 254 về quyền có lối đi. Hơn nữa, hành động xây bịt lối đi của BQL chợ Hạ Long 1 cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì liên quan đến mưu sinh của nhiều hộ dân, trong đó không ít hộ kinh doanh là những thương binh mà xã hội cần có những ưu tiên, chính sách tri ân.
Điều đáng lo ngại là ngày 8/11/2015, UBND phường Bạch Đằng tự lập Biên bản bàn giao ranh giới, mốc giới cho BQL chợ Hạ Long 1 xây dựng hàng rào mà không có sự chứng kiến, lấy ý kiến của các hộ dân giáp ranh là việc làm thiếu dân chủ. Chỉ đến ngày 14/12/2015, BQL chợ Hạ Long 1 tiến hành chuyển vận liệu xây dựng, cho thợ xây bịt lối đi thì người dân nơi đây mới biết.
Cho rằng đó là việc làm vội vã, thiếu minh bạch của BQL chợ Hạ Long 1, ông Lê Xuân Bình, thương binh hạng 4/4 - một trong số những thương binh đang kinh doanh tại đây bức xúc cho biết: “Họ như đánh úp chúng tôi, nơi đây quy chế dân chủ ở cơ sở không được thực hiện, dân chúng tôi còn không được biết chứ đừng nói đến dân bàn, dân kiểm tra. Việc bịt lối đi, chẳng khác nào bịt đường sống của người dân chúng tôi”.
Được biết, BQL chợ Hạ Long 1 đã nhiều lần cưỡng chế xây dựng bịt lối đi này, nhưng không thành vì sự bất bình, phản đối quyết liệt của gia đình ông Quế, các hộ dân, tổ dân phố và sự can thiệp của cán bộ MTTQ phường Bạch Đằng. Và điều lấy làm lạ, hàng chục lá đơn kêu cứu của người dân gửi đến các cơ quan chức năng nơi đây đều không được giải quyết khiến họ càng hoang mang, lo lắng.
Ông Hoàng Đức Quế, thương binh hạng 2/4 cho biết: “Tôi cùng với gần 10 anh em thương binh mất bao công sức, tiền bạc gây dựng mảnh đất này từ hơn 30 năm nay để lấy kế sinh nhai từ khi chợ Hạ Long còn cách xa khu vực. Chúng tôi chỉ có một lối đi nhỏ họ cũng quyết bịt lại, không để chúng tôi con đường sống, vi phạm cả luật pháp và đạo lý làm người. Mục đích BQL chợ xây bịt lối đi để lấy thêm diện tích đất làm thủ tục chuyển nhượng các ki ốt bán hàng liền kề với khu đất của chúng tôi”.