TP Hà Nội: Chính quyền cần hiện thực hóa các hoạt động hỗ trợ hậu Covid-19

(PLVN) - Mô hình kinh tế hợp tác xã mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong nền kinh tế thị trường> Hiện nay, qua đợt dịch bệnh Covid-19 đầu năm 2020, mô hình này lại phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và hậu dịch bệnh.
Ảnh Báo Thanh tra

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra mục tiêu là sớm đưa kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác xã thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân. 

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhiều văn bản hướng dẫn và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù được các cấp, các ngành quan tâm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện như: Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã.

Theo đó, các quy định của Luật phù hợp với điều kiện phát triển hợp tác xã tại Việt Nam (số lượng thành viên tối thiểu, số vốn góp tối thiểu, tỷ lệ dịch vụ phục vụ thành viên, điều kiện gia nhập và duy trì tư cách thành viên…) và tương đồng với quy định về hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã quốc tế.

Để triển khai Luật Hợp Hợp tác xã, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành 63 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 Quyết định và 07 Chỉ thị; các bộ, ngành trung ương ban hành 89 Thông tư, 43 quyết định, 07 chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn có liên quan về hợp tác xã.

Mô hình kinh tế hợp tác xã mặc dù được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong nền kinh tế thị trường. Đầu năm 2020, mô hình này lại phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh và hậu dịch bệnh Covid-19, khiến khó khăn lại chồng lên khó khăn và nhiều hợp tác xã có thể phá sản nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền trực tiếp tại địa phương, các xã viên hợp tác xã có thể bị mất việc, thu nhập, an sinh xã hội và trật tự xã hội tại địa phương đó có thể bị ảnh hưởng rất lớn.  

Theo Liên hiệp Hợp tác xã ngành giấy Hà Nội cho biết, thực tế, hiện nay, tại Khu Công nghiệp quận Hoàng Mai, TP Hà Nội có một số đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hợp tác xã ngành giấy Hà Nội hoạt động sản xuất hàng chục năm nay đang đứng bên bờ vực phá sản bởi các chủ trương hô hào của chính quyền tại địa phương chứ thực sự chưa có các biện pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ các hợp tác xã vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phát triển các hợp tác xã.

Đơn cử, thực tế vụ việc, Hợp tác xã Công nghiệp Thanh Tùng (thời điểm trước đây có hàng trăm lao động) được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội giao đất xây dựng Tòa nhà Thanh Tùng tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai, TP Hà Nội đã sử dụng và đưa vào hoạt động hơn 10 năm nay, kinh phí xây dựng Tòa nhà lên đến hàng chục tỷ đồng là huy động từ nguồn kinh phí của hàng trăm xã viên Hợp Tác xã, người lao động và vay mượn của Ngân hàng.

Tòa nhà được xây dựng 8 tầng phù hợp với quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân TP Hà Nội điều chỉnh thông báo tới các đơn vị trên địa bàn (địa điểm trên theo quy hoạch có thể được xây tối đa 22 tầng). Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cũng đã có văn bản cho phép chuyển đổi công năng Tòa nhà từ xưởng sản xuất sang Tòa nhà văn phòng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phù hợp với quy hoạch tại Khu Công nghiệp đã được điều chỉnh (Quyết định số 161/TB-UBND ngày 03/7/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Phí Thái Bình tại cuộc họp bàn về chuyển đổi chức năng Cụm Công nghiệp Hoàng Mai I và Cụm Công nghiệp Cầu Giấy).

Tuy nhiên, trên thực tiễn thực hiện hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi, các cấp chính quyền chưa thực sự hướng dẫn, tạo điều kiện cho hợp tác xã để thực hiện, kéo dài thời gian xử lý dẫn đến tâm lý chán nản, mất niền tin của Ban Lãnh đạo Hợp tác xã và các xã viên đối với các cấp chính quyền trực tiếp.

Một số cá nhân trong bộ máy chính quyền tại địa phương thì cố tình áp đặt, đẩy hợp tác xã vào tình trạng khó khăn khi yêu cầu đến hạn không thực hiện hoàn thiện thủ tục hồ sơ xây dựng Tòa nhà 8 tầng thì xử lý (phá bỏ 6 tầng, gây lãng phí và bất bình trong nhân dân).

Bên cạnh đó, báo cáo không đầy đủ và đúng lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo sau đó căn cứ vào đó để ra văn bản áp đặt, đẩy hoạt động của hợp tác xã đã khó khăn, ngừng trệ lại khó khăn và hầu như bất động, ngưng hoạt động, tước hết các nguồn kinh phí thu nhập từ Tòa nhà của Hợp tác xã (chỉ đạo tước hoạt động của đơn vị đang sử dụng, cấm sử dụng, phát huy giá trị sử dụng của tòa nhà) để dồn ép hợp tác xã đi vào đường cùng với các mục đích cá nhân.

Trong khi đó chưa thực sự tổ chức đối thoại, nắm rõ các vướng mắc khó khăn để hỗ trợ cho hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, trong khi đó, nguồn thu ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng/năm cũng bị thiệt hại đáng kể do Tòa nhà bị ngưng hoạt động.

Liên hiệp Hợp tác xã ngành giấy Hà Nội đã có văn bản về vấn đề này và tha thiết đề nghị các cấp chính quyền TP Hà Nội và quận Hoàng Mai quan tâm, xem xét lại sự việc để hỗ trợ Hợp tác xã Công nghiệp Thanh Tùng hoàn thiện các thủ tục của Tòa nhà ở Khu Công nghiệp Hoàng Mai.

Đây là một minh chứng rõ nét nhất cho việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phát triển mô hình hợp tác xã, đồng thời hiện thực hóa các chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19 khi việc sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, đời sống người dân nói chung trong đó của rất nhiều xã viên hợp tác xã, người lao động đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, bi đát cần được sự hỗ trợ thiết thực của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, quận Hoàng Mai, chứ không chỉ là sự hô hào, bàng quang, áp đặt không quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện nhất là đối với sự việc cụ thể nêu trên.

Đọc thêm