Giải quyết khoảng 5.000 hồ sơ/ngày
Xin ông cho biết một số vấn đề rút ra từ Báo cáo về kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đối với TP HCM?
- Trong 6 năm liền, nội dung chỉ số cung ứng dịch vụ công của TP HCM luôn đứng đầu cả nước về mức độ thuận lợi cũng như cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Tính công khai, minh bạch của TP cũng được đánh giá cao. Tuy nhiên, có những vấn đề TP cũng rất quan tâm để tiếp tục chấn chỉnh để xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân trên cơ sở sự đóng góp ý kiến của người dân như việc kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chính quyền, nhất là việc xây dựng chính sách...
Thời gian qua, TP HCM được đánh giá là một trong những địa phương triển khai tốt việc cắt giảm thủ tục hành chính cho DN. Vậy ông có thể nói rõ hơn việc chính quyền địa phương đã xóa bỏ những rào cản cho DN như thế nào?
- Để xây dựng một nền hành chính hiện đại thì TP HCM đã đặt mục tiêu rất cụ thể là làm sao cung cấp những dịch vụ công trực tuyến. Bởi, khối lượng công việc của TP HCM hiện nay rất lớn, một ngày trung bình phải giải quyết khoảng 5.000 hồ sơ, lớn nhất cả nước. Nếu chúng ta không ứng dụng CNTT vào để giải quyết thì sẽ gây phiền hà cho người dân. Việc lưu thông giữa các sở, ngành khi giải quyết các hồ sơ có nhiều đầu mối, trong đó chỉ riêng việc chuyển giấy tờ thủ công đã mất rất nhiều thời gian. Vì thế chúng tôi quyết tâm thực hiện vấn đề này.
Đến nay, những vấn đề nóng nhất, gây bức xúc với người dân nhất thì TP đã có các biện pháp để xử lý nhờ CNTT như cung cấp những dịch vụ trực tuyến liên quan đến nhà đất, cấp phép kinh doanh, hay làm hồ sơ hộ tịch. TP mong rằng người dân sẽ quan tâm và đóng góp cùng TP để thực hiện tốt những dịch vụ này nhằm hướng tới mục tiêu hạn chế tiêu cực.
Sẽ thí điểm việc lưu thông nội bộ các văn bản trực tuyến
Xin ông cho biết cụ thể việc thực hiện cấp phép xây dựng trực tuyến sẽ giúp giảm bao nhiêu thời gian so với trước đây?
- Cấp phép xây dựng trực tuyến ít nhất sẽ giúp giảm được 1/3 thời gian so với quy trình bình thường, chủ yếu là giảm thời gian giải quyết thủ tục nội bộ giữa các sở, ngành. Vì chuyển hồ sơ thủ công, nếu cán bộ tắc trách hoặc cố tình lợi dụng để làm chậm thời gian sẽ khiến người dân, DN phải chạy, phải xin thì còn phức tạp nữa.
Tuy nhiên, khi áp dụng lưu thông điện tử thì sẽ có quy định thời gian rõ ràng về ngày giờ và việc chuyển đổi hồ sơ được thực hiện rất nhanh. Chúng tôi quyết tâm tháng 4 này sẽ chọn một số lĩnh vực để thực hiện thí điểm việc lưu thông nội bộ các văn bản trực tuyến.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 (diễn ra ngày 3/4), Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0. TP HCM cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các công việc. Vậy, trong năm 2017 và các năm tới thì cuộc cách mạng 4.0 ở địa phương sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- TP HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, đối với những dịch vụ công trực tuyến mà T.Ư quy định thì TP sẽ áp dụng. Chúng tôi sẽ không chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN mà trong tất cả các dịch vụ công trực tuyến, việc liên thông giữa các sở, ngành với nhau và giữa các sở, ngành với địa phương cũng phải được thực hiện trực tuyến. Vừa rồi, khi chấm dứt thư mời bằng giấy thì riêng Văn phòng UBND TP HCM 1 năm đã tiết kiệm được khoảng 1,5 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến thời gian đi lại, rồi các thao tác của cán bộ làm văn thư đóng dấu, làm bao thư, thậm chí nếu hoãn họp thì lại phải thay đổi thư mời.
Tôi nghĩ đó là những thủ tục đơn giản, nhưng nếu áp dụng CNTT thì sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc làm sao để phục vụ tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn. Điều này phải thực sự kiên trì và quyết tâm vì nếu người dân, DN, cán bộ không tham gia, lãnh đạo không quyết tâm thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra, dù nghe thì rất đơn giản.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!