Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, mặc dù tình hình trật tự ATGT trong quý I/2017 tiếp tục được cải thiện, tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí; tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Còn người thực thi nhiệm vụ tiêu cực, làm trái quy định
Thống nhất với báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia về nội dung đánh giá các mặt công tác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trong quý I/2017, Phó Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế trong công tác vụ bảo đảm trật tự ATGT là tai nạn giao thông diễn biến phức tạp; một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thuỷ chở khách du lịch, mặc dù không gây thiệt hại lớn về người nhưng gây thiệt hại về tài sản và gây hoang mang, bức xúc trong dư luận; tình trạng xe dù, bến cóc có có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ xe chở khách theo tuyến cố định...
Để dẫn tới những tồn tại nêu trên, ngoài những hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông; trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn yếu kém; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ..., Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những nguyên nhân đáng phải suy ngẫm.
Đó là vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường bộ, đường sắt trái phép diễn ra tràn lan. Đặc biệt, vẫn chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. “Còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định”- Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Nhận thức rõ thực trạng trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. “Nơi nào mạnh, quyết liệt thì chuyển biến; những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về trật tự ATGT cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát” – ông Hùng khẳng định.
Xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ
Với quyết tâm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông từ 5-10%; Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các thành viên ủy ban, Ban ATGT các địa phương nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.
Các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương trong công tác xây dựng thể chế, văn bản pháp luật liên quan, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không...
Trước mắt, để triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong quý II/2017, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu phải khẩn trương nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để bố trí gờ giảm tốc và biển cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các đường ngang không có người gác, không có cần chắn tự động, các lối đi dân sinh có đông phương tiện cơ giới hoạt động; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe...
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động; gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách.