Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) năm 2019, cả nước có đến 598 doanh nghiệp BĐS tạm dừng hoạt động (tăng 36,8%) và có đến 686 doanh nghiệp BĐS giải thể (tăng 30,4%) so với năm 2018, đứng đầu trong các doanh nghiệp ngành nghề khác.
Chỉ riêng trên địa bàn TP HCM, năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh BĐS luôn thấp hơn tăng trưởng chung của thành phố. Theo đó, tỷ trọng ngành kinh doanh BĐS trong tổng sản phẩm GRDP của thành phố theo hướng sụt giảm từ 7,3 xuống 4,1%. Điều đó kéo theo tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng tăng thấp, giá trị sản xuất công trình nhà giảm.
Tính cả năm 2019, UBND TP HCM chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư có 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với cùng kỳ năm 2018); Chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018), trong đó chỉ có 7 dự án mới; 47 dự án đủ điều kiện huy động vốn đối với sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai (giảm 30 dự án) với tổng số 24.286 căn nhà (giảm 4.030 căn so với năm 2018).
Theo UBND TP HCM, nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh kiểm tra, rà soát lại thủ tục pháp lý, dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết từ các cơ quan có trách nhiệm chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.
Cũng theo UBND TP HCM, việc không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời trong thủ tục đầu tư dự án sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, từ đó dẫn đến làm giảm ngân sách và nguồn thu của nhà nước từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.
Do vậy, để các doanh nghiệp BĐS có cơ sở hoàn tất thủ tục đầu tư và triển khai dự án, tăng nguồn cung nhà ở, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành có thẩm quyền rà soát và có ý kiến tháo gỡ 8 vướng mắc.
Theo đó, đối với những Quy định tại Nghị định số 11/2013/ NĐ- CP ngày 14/1/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, UBND thành phố đề nghị Chính phủ sớm xem xét cụ thể các quy định, để đảm bảo thống nhất giữa các quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một cách thống nhất.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ giao cho thành phố được thực hiện chấp thuận thủ tục đầu tư các dự án trong trường hợp đã được thành phố cho phép giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở hoặc Chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất.
Bên cạnh đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét và có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hoá, đất có nguồn gốc do nhà nước cho thuê đất ngắn hạn trả tiền hàng năm cho đến khi có thực hiện quy hoạch, cũng như các quy định về việc chuyển tiếp chủ trương đầu tư đã thực hiện hay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đến việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cả việc sáp nhập dự án...
Có thể nói, với việc rà soát, tổng hợp và phân loại dự án cụ thể đối với từng loại đất, từng dự án và từng trường hợp trong tờ trình của UBND TP HCM gửi Chính phủ vừa qua, cho thấy nếu 8 đề xuất, kiến nghị của thành phố được Chính phủ xem xét, thì không chỉ 63 dự án trên địa bàn thành phố đang còn vướng mắc về pháp lý sẽ được “thông quan”, mà còn tạo cơ hội cho thị trường BĐS cả nước phát triển thời gian tới.