TP HCM: Gian nan hành trình đòi bồi thường chiếc xe bị mất ở quán nhậu

(PLO) -Quán nhậu có bảo vệ giữ xe làm mất xe của khách nhưng không chịu bồi thường. Cơ quan tố tụng bị cho là tắc trách, vi phạm thời gian đưa vụ án ra xét xử, khiến 5 năm khách mới đòi được tiền bồi thường chiếc xe bị mất.
Ông Hoàng mất 5 năm mới thắng kiện được vụ bồi thường chiếc xe bị mất

Chủ quán đổ lỗi công ty bảo vệ 

Chiều ngày 3/1, sau 6 ngày nghị án kéo dài, TAND quận 10 (TP HCM) đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đinh Văn Hoàng (SN 1969, ngụ quận 10), buộc ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1973, chủ quán dê núi Ninh Bình ở quận 10) phải bồi thường 140 triệu đồng giá trị chiếc xe bị mất.

Theo hồ sơ, khoảng 13h ngày 2/3/2013, ông Hoàng và bạn đến quán dê núi Ninh Bình của ông Cường ở đường Đồng Nai, phường 15, quận 10 để ăn uống. Ông Hoàng đi xe SH màu đen do em gái Đinh Ngọc Ái Mỹ đứng tên đăng ký. Khi đến quán, ông Hoàng được bảo vệ quán hướng dẫn đưa xe vào bãi và có lấy thẻ xe.

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, ông Hoàng ra bãi xe lấy xe để về thì chiếc xe SH đã mất. Ngay lập tức, ông Hoàng trình báo công an phường và yêu cầu ông Cường phải có trách nhiệm bồi thường. Tại trụ sở công an phường, ông Cường thừa nhận bảo vệ nhận giữ xe là của quán, thẻ xe chính xác. Qua kiểm tra hệ thống camera, việc ông Hoàng đến quán dê núi ăn uống, gửi xe SH là có thật.

Tuy nhiên, ông Cường không đồng ý bồi thường vì cho rằng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Anh Hùng 24h. Trong hợp đồng nêu rõ nếu xảy ra mất xe, phía công ty bảo vệ phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ quán, sau đó chủ quán mới bồi thường lại cho khách. Ông Cường cho rằng công ty bảo vệ chưa bồi thường nên ông không chấp nhận bồi thường cho khách.

Không thỏa thuận được, tháng 3/2013, ông Hoàng gửi đơn đến TAND quận 10 khởi kiện đòi ông Cường bồi thường. Vụ án sau đó bị tạm đình chỉ với lý do chờ kết luận điều tra của công an quận 10 về vụ “trộm cắp tài sản”.

Đến tháng 3/2016, Công an quận 10 ra quyết định đình chỉ vụ án do không tìm được thủ phạm lấy cắp chiếc xe SH của ông Hoàng. Theo luật, trong 4 tháng kể từ ngày công an ra quyết định đình chỉ vụ án, tòa phải thụ lý lại vụ án dân sự. Thế nhưng tòa án quận 10 không thực hiện việc này. Mãi đến tháng 11/2017, tức sau 16 tháng, tòa mới thụ lý lại. Việc làm này bị cho là vi phạm luật tố tụng dân sự.

Chiếc xe SH bị mất được nhập ngoại vào năm 2010 có giá 8.650 USD. Theo kết quả giám định, thời điểm bị mất, giá trị chiếc xe còn lại là 140 triệu VNĐ. Ông Hoàng yêu cầu chủ quán trả đúng số tiền này.

Sở dĩ tòa chậm trễ việc thụ lý lại vụ án, theo ông Hoàng là do bản hợp đồng giữa công ty bảo vệ và quán dê núi của ông Cường. Tòa xác định công ty bảo vệ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng triệu tập nhiều lần không đến tòa.

Tại tòa, ông Hoàng giữ nguyên yêu cầu. Ông nói: “Việc ký kết hợp đồng giữa công ty bảo vệ với chủ quán thế nào tôi không rõ và không quan tâm vì không liên quan đến vụ án của tôi. Tôi chỉ biết khi tôi đến quán ông Cường, có gửi xe, có nhân viên bảo vệ nhưng mất xe. Vậy thì ông Cường phải có trách nhiệm bồi thường. Còn ông Cường thương lượng, yêu cầu công ty bảo vệ bồi thường ngược lại cho ông ta là việc cá nhân giữa hai bên”.

Đưa ra ý kiến phản bác, ông Cường nói rằng không có trách nhiệm bồi thường cho khách. Làm mất xe của khách thì công ty bảo vệ phải có trách nhiệm bồi thường. Ông Cường cho rằng ông Hoàng phải đi đòi bồi thường ở công ty bảo vệ. Trả lời câu hỏi của tòa về hợp đồng giữa công ty bảo vệ và mình, ông Cường nói trong điều khoản thỏa thuận rõ hai bên có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ ngày 1/11/2011. Theo hợp đồng, trường hợp xảy ra mất xe trong thời gian có mặt nhân viên bảo vệ thì công ty sẽ bồi thường giá trị thiệt hại cho quán có tính khấu hao trong vòng 30 ngày sau khi có kết luận điều tra của công an có thẩm quyền. Ông Cường căn cứ vào điều này để phủ nhận trách nhiệm bồi thường.

“Tôi không biết gì hết, mọi chuyện có luật sư của tôi nhưng nay luật sư vắng mặt. Tôi đã đi tìm công ty bảo vệ nhưng họ thay đổi địa chỉ, không rõ hiện nay ở đâu. Tôi yêu cầu tòa bác đơn của ông Hoàng hoặc tuyên buộc công ty bảo vệ bồi thường cho ông Hoàng, tôi không có trách nhiệm đó. Hoặc tòa phải buộc công ty bảo vệ bồi thường cho tôi thì tôi mới có trách nhiệm ngược lại với ông Hoàng”, ông Cường nói.

Ông Hoàng đưa ra bằng chứng về chiếc xe bị mất

Gian nan 5 năm đòi bồi thường 

Tại phiên xét xử, chủ tọa giải thích, ông Cường có thể đòi bồi thường công ty bảo vệ ở một vụ án tranh chấp khác. Tuy nhiên, cho đến nay đã 5 năm ông Cường chưa từng khởi kiện công ty bảo vệ. Trách nhiệm của ông là phải bồi thường cho khách. Còn giữa ông và công ty bảo vệ sẽ được phân tích lỗi như thế nào và mỗi bên chịu bao nhiêu phần trăm thì ông phải là người khởi kiện.

Tuy nhiên, ông Cường vẫn không đồng ý, nói rằng chờ luật sư của mình đến tòa. Tòa án cho biết đã nhiều lần hoãn, triệu tập hợp lệ nhưng luật sư vắng mặt là trách nhiệm của luật sư với ông.

Tại tòa, đại diện VKS quận 10 nhận xét quá trình giải quyết vụ án, tòa đã có vi phạm như không gửi thông báo thụ lý vụ án cho VKS. Kể từ khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn, tòa  không ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là vi phạm  Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Tại phiên kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ, không có mặt người liên quan là công ty bảo vệ, nhưng tòa không thông báo cho người vắng mặt. Ngày 15/7/2016, tòa tiếp tục giải quyết vụ án nhưng 16 tháng sau tòa mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử là vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử...

Về nội dung, đại diện VKS quận 10 đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường giá trị chiếc xe 140 triệu đồng của ông Hoàng. Cuối cùng, HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoàng, buộc ông Cường phải có trách nhiệm bồi thường 140 triệu đồng cho ông Hoàng. Tòa hướng dẫn ông Cường khởi kiện công ty bảo vệ trong một vụ án khác.

Trao đổi bên lề phiên tòa, ông Hoàng nói: “Năm năm qua, nhiều lần định bỏ cuộc nhưng nghĩ đến thái độ của chủ quán là tôi lại tức điên lên được. Phải chi quán nhỏ, nghèo không có tiền bồi thường hoặc nói một tiếng cho thỏa lòng khách. Đằng này, ông ta cứ khăng khắng phủi trách nhiệm. Ông ta bảo tôi tự tìm công ty bảo vệ mà đòi. Tôi có biết đó là công ty nào đâu. Tôi và công ty bảo vệ cũng không có giao dịch gì thì làm sao đòi được”.

Còn về phía tòa án, ông Hoàng không rõ tại sao lại cứ kéo dài, không giải quyết. Ông Hoàng nhiều lần có đơn yêu cầu xét xử, khiếu nại nhưng không thấy trả lời. Phía bị đơn và công ty bảo vệ nhiều lần vắng mặt không lý do, bị cho là cố tìm cách không có mặt theo đúng giấy triệu tập của tòa.

“Tôi đi đòi quyền lợi chính đáng nhưng không khác nào ăn xin, ăn vạ. Mất quá nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi. Em tôi không có xe đi lại. Còn bản thân tôi phải bỏ thời gian gần 5 năm qua xuôi ngược, đơn từ đòi bồi thường”, ông Hoàng nói.

Đọc thêm