Buổi sáng bị cưỡng chế nhà
Vài ngày đã trôi qua, ông Phạm Văn Chiện (SN 1975, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM) gương mặt vẫn hốc hác. Phản ánh câu chuyện của gia đình, ông cho biết thuê khu đất số 36/8 đường số 10, phường Linh Xuân để lập xưởng may mặc.
Xưởng may được thành lập và xây dựng từ tháng 5/2016: “Lúc đó, tôi xây dựng xưởng may cấp 4 và một khu văn phòng cũng cấp 4 vừa làm việc, vừa để ở, nhà ăn, nghỉ trưa cho công nhân. Việc xây dựng hoàn tất và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2016 mà không hề gặp phải sự phản ứng, xử lý nào của cơ quan chức năng”.
Đến tháng 9/2016, để cuộc sống công nhân ổn định hơn, ông Chiện quyết định cơi nới phần xây dựng văn phòng thêm một tầng lửng. Mãi đến tháng 12/2016, lực lượng chức năng phường Linh Xuân phát hiện sự việc, yêu cầu tháo dỡ. “Lúc đó, một số cán bộ phường đến đập phá một phần cầu thang và tự ý thu giữ nhiều lô gạch lát nền mang về phường. Tất cả những sự việc trên đều không có biên bản”, ông Chiện nói.
Sau đó, phường Linh Xuân mới tiến hành lập biên bản và cho rằng ông Chiện xây dựng trái phép trên phần đất nông nghiệp đã có dự án làm đường đi. Ông Chiện thừa nhận: “Tôi biết việc phần xây dựng văn phòng là sai. Dự án đường đi có từ năm 2013 nhưng chưa thực hiện. Toàn bộ phần văn phòng đều nằm trên dự án này. Vì biết sai, tôi chấp nhận phạt hành chính và không hề khiếu nại, khiếu kiện gì”.
Một số hình ảnh hiện trường sau vụ cưỡng chế |
Bản thân ông Chiện biết mình sai nhưng do xưởng sản xuất mới thành lập, công việc còn khó khăn, ông Chiện làm đơn đến các cấp xin được tồn tại công trình văn phòng để tiện sản xuất và nơi ở cho gia đình. Ông Chiện cam kết sẽ chuyển đi nơi khác khi sản xuất xong các đơn hàng và trả nợ được cho ngân hàng; hoặc khi nào dự án đường đi thực hiện sẽ tự nguyện tháo dỡ mà không cần bất cứ sự bồi thường, hỗ trợ nào. Tuy nhiên, đơn của ông từ phường đến quận đều không được chấp nhận.
Trong thời gian này, ông Chiện cho rằng có một sự hiểu lầm khiến ông bị tư thù cá nhân. Mà có thể chính sự tư thù này khiến phần xây dựng văn phòng của ông không được tồn tại. Đó là việc phường Linh Xuân tiến hành cưỡng chế một ngôi nhà không phép. Phía phường cho rằng chính ông Chiện là người đã phản ánh việc xây dựng không phép này. Ông Chiện thì lại cho rằng không biết ai đã vu khống cho ông khiến việc mâu thuẫn cá nhân xảy ra. Và ông cũng không biết có phải vì chuyện này mà phía chính quyền cương quyết cưỡng chế phần xây dựng văn phòng của ông hay không?
Đến ngày 8/8 vừa qua, quận Thủ Đức kết hợp với phường Linh Xuân tiến hành cưỡng chế phần xây dựng văn phòng của ông Chiện. Thông báo cưỡng chế được gửi cho ông Chiện đúng 5 ngày trước khi tiến hành cưỡng chế.
Ông Chiện nói: “Theo quy định thì tầng 1 của phần xây dựng văn phòng đã được xây dựng và sử dụng thì sẽ được phép tồn tại dù vẫn bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, hôm đó, đoàn cưỡng chế lại đập phá luôn phần này”.
Buổi tối cháy sạch xưởng sản xuất
Sau khi văn phòng và cũng là nơi trú ngụ duy nhất của vợ chồng và 2 đứa con ông Chiện bị cưỡng chế, do không còn chỗ lưu trú, ông Chiện sắp xếp vợ con đến nhà người thân ở nhờ. Bản thân ông Chiện ở lại, đến 18h30 mới mang quần áo ra khách sạn để ở. “Việc cưỡng chế tiến hành nên điện bị cúp đến 16h30 mới đấu lại. Khi ra khỏi xưởng, tôi đã khóa cửa, kiểm tra rất cẩn thận, không thấy vấn đề gì bất thường”, ông Chiện nói.
Đến khoảng 20h, ông Chiện nghe người nhà thông báo xưởng may đang bị cháy rất dữ dội. Khi ông đến nơi thì lửa đã bao trùm xưởng may có diện tích khoảng 70m2. Dù sau đó lửa được dập tắt nhưng toàn bộ hàng hóa, máy móc trong xưởng đều bị cháy sạch.
Ông Chiện nói: “Ước tính thiệt hại phần máy móc và hàng hóa khoảng 3,2 tỷ đồng. Gần như không thu hồi được bất cứ vật dụng gì. Ngoài ra, đơn hàng của khách sẽ bị hủy bỏ do không còn máy móc, nhà xưởng để tiếp tục sản xuất kịp tiến độ. Số đơn hàng này khoảng vài tỷ đồng nữa. Việc cháy nhà xưởng gây ra cho tôi thiệt hại rất lớn. Tôi gần như trắng tay, không còn bất cứ tài sản nào. Để có tiền đầu tư sản xuất, máy móc, tôi phải vay ngân hàng. Hoạt động mới 1 năm mà liên tiếp xảy ra khiếu kiện phần xây dựng văn phòng rồi đến cháy nhà xưởng”.
Ông Chiện nói rằng việc cưỡng chế là chưa hợp tình, hợp lý |
Theo ông Chiện, ngọn lửa bắt nguồn từ khu vực một máy may ở gần cửa ra vào nhà xưởng. Nơi đó có chất nhiều cây vải do phải kiểm đếm và vừa thu gom để phục vụ chỗ cho đoàn cưỡng chế. Do toàn nhà xưởng là vật liệu dễ cháy nên không cứu chữa được tài sản.
“Tôi không rõ việc cưỡng chế có làm chập điện hay không vì điện móc nối từ nhà xưởng sang phần xây dựng văn phòng chung một nguồn điện. Điều này đang chờ cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường. Nếu thực sự do việc cưỡng chế gây ra chập điện, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm với thiệt hại mà tôi gánh chịu”, ông Chiện nói.
Ông Chiện mong muốn sớm được làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy. Ngoài việc nghi ngờ do chập điện, ông Chiện có những mối nghi khác và đã cung cấp cho công an để phục vụ công tác điều tra. Được biết, công an TP. HCM đã cử người tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai một số người để tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.
“Từ một doanh nghiệp có tới 30 công nhân và đơn hàng nườm nượp. Bây giờ, tôi thành kẻ trắng tay khi thậm chí không còn chổ để ở. Mấy ngày qua, tôi chưa chợp mắt được, không thể ngờ sự việc đến nhanh như vậy”, ông Chiện rầu rĩ.
Về việc công trình sai phép, ông Chiện phản ánh xung quanh nhà ông một số công trình xây dựng trên phần đất dự án đường đi nhưng không hiểu tại sao chính quyền không xử lý. “Ngay cả một căn nhà 4 tầng nằm chình ình ra đó nhưng không ai nói gì. Còn phần xây dựng của tôi để phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế và có tính chất không kiên cố lại bị cương quyết xử lý. Tôi không khiếu nại gì vì dù sao tôi cũng xây dựng sai nhưng phải đối xử công bằng”, ông Chiện nói.