TP HCM: Toà án Quận 7 lạm quyền như thế nào trong vụ án “Khu dân cư Hòa Lân” ở Bình Dương?

(PLVN) - Mặc dù đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 7 nhưng tòa này vẫn thụ lý “ngay lập tức” và tạo ra một vụ án với những quyết định gây bất lợi cho Công ty Kim Oan TP HCM. Điều gì khiến TAND quận 7 thiên vị nguyên đơn khi làm việc này?
TP HCM: Toà án Quận 7 lạm quyền như thế nào trong vụ án “Khu dân cư Hòa Lân” ở Bình Dương?

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong các số báo trước, việc TAND quận 7 TP HCM thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Thiên Phú có nhiều dấu hiệu bất thường, nhất là ở tốc độ xử lý đơn kiện và thụ lý đơn kiện nhanh một cách bất thường. Điều đáng nói, trong cái bất thường này còn có cả sự lạm quyền khi tòa thụ lý cả đơn khởi kiện không đúng thẩm quyền giải quyết.

Về thẩm quyền giải quyết, Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định rõ về thẩm quyền theo lãnh thổ. Theo đó, thẩm quyền của tòa án căn cứ vào nơi cư trú của bị đơn là cá nhân hoặc trụ sở chính của bị đơn là pháp nhân. Ngoài ra, các đương sự cũng có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn.

Đối với tranh chấp về bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm giải quyết tranh chấp, Bộ luật tố tụng dân sự quy định rất rõ về điều này.

Pháp luật quy định rõ là thế, nhưng TAND quận 7 đã làm như thế nào?

Đầu tiên, tòa này thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản và hủy kết quả bán đấu giá tài sản của Công ty Thiên Phú. Do bị đơn trong vụ kiện là Công ty cổ phần dịch vụ Đấu giá tài sản Nam Sài Gòn có trụ sở tại Quận 7 nên việc thụ lý vụ án của TAND quận 7 không có gì phải tranh cãi, ngoài vấn đề thụ lý đơn kiểu “thần tốc” như đã phản ánh.

Song, trong đơn khởi kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú, TAND Quận 7 đã xử lý một cách bất thường cả về tốc độ giải quyết và thẩm quyền.

Theo đó, đơn khởi kiện “bổ sung” mà Công ty Thiên Phú nộp cho tòa án có nội dung khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam. So sánh với đơn khởi kiện trước đó, đơn khởi kiện bổ sung này thực chất không phải là “bổ sung”, mà bản chất thật sự là một đơn khởi kiện mới hoàn toàn do có nội dung mới, tranh chấp mới và bị đơn mới.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật TNHH Fanci thì TAND quận 7 đã thụ lý đơn khởi kiện này không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của tòa án.

“Đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 10/3/2019 của Công ty Thiên Phú đề nghị giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN và PTNT, là một quan hệ pháp luật hoàn toàn khác với tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với bị đơn khác mà trước đó TAND quận 7 đã thụ lý. Do đó, đây không phải là việc bổ sung đơn kiện mà là khởi kiện vụ án khác”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tú, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, Công ty Thiên Phú có rất nhiều tranh chấp với các tổ chức, cá nhân liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân. Do đó, các tranh chấp liên quan đến dự án này phải được giải quyết theo đúng thẩm quyền chứ không thể đưa cả về TAND quận 7 để giải quyết chỉ vì tòa này đang thụ lý một đơn khởi kiện khác của Công ty Thiên Phú.

“Việc xác định thẩm quyền của Tòa án phải căn cứ quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu căn cứ vào quy định của pháp luật thì TAND quận 7 không có cơ sở nào thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty Thiên Phú với Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam. Các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các tổ chức vay với ngân hàng này phải giải quyết tại địa phương nơi có hội sở chính”, Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh.

Điều ngang trái không chỉ dừng lại ở việc TAND quận 7 thụ lý “đơn kiện bổ sung” mà thực chất là một đơn khởi kiện mới, tòa này còn đi xa hơn khi lần thứ 2 thụ lý đơn kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú, cũng với yêu cầu không liên quan đến đơn kiện chính thức.

Theo đó, ngày 27/8/2019, TAND quận 7 thụ lý đơn kiện bổ sung, yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa Công ty Thiên Phú và Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam. Dường như, với nội dung khởi kiện này, Công ty Thiên Phú muốn vô hiệu hóa hợp đồng thế chấp để khoản vay hơn một nghìn tỷ đồng trở thành không có đảm bảo và công ty này sẽ đòi lại được tài sản cũng như “ăn không” toàn bộ số tiền đã vay của ngân hàng.

Điều đáng nói nữa là những dấu hiệu vi phạm pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ án của TAND quận 7 đã khá rõ ràng và Công ty Kim Oanh TP HMC, “nạn nhân” của vụ việc TAND thụ lý trái pháp luật cũng đã có đơn gửi lãnh đạo các cấp tòa án để đề nghị xem xét giải quyết. Nhưng, một năm trôi qua mà những điều vô lý vẫn đang tồn tại, như một bằng chứng cho thấy sự vô cảm của ngành Tòa đối với nỗi đau hơn 1.500 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm