TP HCM yêu cầu chấn chỉnh lối thoát hiểm để phòng cháy chữa cháy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau một số sự cố cháy nổ vừa diễn ra gây thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng con người, UBND TP HCM đã ban hành Quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, trong đó đặc biệt lưu ý đến lối thoát hiểm.
Rạng sáng 2/6, lực lượng chức năng phải đục tường cứu nạn căn nhà bị cháy trên đường Bình Long, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM.
Rạng sáng 2/6, lực lượng chức năng phải đục tường cứu nạn căn nhà bị cháy trên đường Bình Long, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM.

Về lối thoát nạn, thoát hiểm, Quy định yêu cầu chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m. Đối với nhà chỉ có 1 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: lối thoát qua ban công, lôgia, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn.

Nhà có tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định; tại vị trí cửa lên tầng mái nếu có bố trí khóa cửa thì phải thiết kế để có thể dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong.

Thành phố yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính cần thiết kế, lắp đặt các lổ cửa thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng.

Cửa chính của nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề. Nhà có thiết kế ban công, lô gia phải đảm bảo thông thoáng, không được che chắn ban công, lô gia tạo thành phòng. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi xảy ra cháy, nổ.

Vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết xảy ra chiều ngày 7/5, tại căn nhà 3 tầng trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.

Vụ hỏa hoạn khiến 8 người chết xảy ra chiều ngày 7/5, tại căn nhà 3 tầng trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM.

Trường hợp chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh vẫn muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt... để bảo vệ tài sản phải cam kết chịu trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy, đồng thời cửa cuốn cần sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, cửa mở bằng mô tơ điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

Đối với các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối ra thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Trường hợp tầng 1 (tầng trệt) được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ các tầng phía trên xuống thông qua cầu thang bộ tại tầng 1 phải có lối đi an toàn ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8 m.

Về tổ chức thực hiện, UBND Thành phố yêu cầu, đối với các nhà ở có sẵn đã chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh trước thời điểm Quy định này có hiệu lực; chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh phải cam kết thời gian hoàn thành, thực hiện xong nội dung quy định các yêu cầu trong thời hạn 6 tháng nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Theo của cơ quan chức năng, đặc điểm của nhà phố tại TP HCM là dạng nhà ống, phần nhiều không có cửa thoát hiểm. Nhiều gia đình còn làm rào che kín sân thượng phòng tránh trộm cắp… nên khi có sự cố thì không còn đường thoát ra ngoài. Nhiều vụ hỏa hoạn gây chết người thương tâm cũng do thiếu các lối thoát hiểm, hoặc lối thoát hiểm bị che chắn kín.

Ngoài yêu cầu đảm bảo an toàn về lối thoát hiểm, Quy định cũng yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh có chứa chất, hàng dễ cháy.

Khu vực thắp hương thờ cúng phải đảm bảo: vách, trần nhà phải bằng vật liệu không cháy, khó cháy, phía trên trần có đặt tấm phản xạ nhiệt; đèn dầu, hương, nến khi thắp phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

Khu vực bếp nấu phải để xa các vật liệu dễ cháy ít nhất 0,7m, nếu có tấm cách nhiệt ngăn cháy thì được phép để gần hơn, nhưng không dưới 0,2m. Trường hợp trong nhà có sử dụng thiết bị tiêu thụ LPG (bếp gas): tất cả các thiết bị điện trong nhà phải lắp đặt cách chai LPG tối thiểu l,5m; lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas…

Đọc thêm