Theo ông Liêm, công tác chống ngập úng tại TP HCM trong năm 5 qua đã đạt nhiều thành công nhất định. Thành phố đã giải quyết giảm ngập 25/36 tuyến đường trục chính, đạt 70% chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020. Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, thành phố, xóa ngập ở 9/9 tuyến đường (Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng, xa lộ Hà Nội, Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, tỉnh lộ 10, Đường 26 và quốc lộ 50), đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.
Đối với Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sau khi hoàn thành sẽ giúp thành phố kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.
Cũng tại hội nghị, ông Liêm báo cáo: Trong năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, tại TP HCM xảy ra 4 đợt lốc xoáy và mưa giông, 7 đợt triều cường lớn, 5 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Theo thống kê, thiên tai làm tốc mái, hư hỏng 22 căn nhà, ngã đổ 256 cây xanh, diện tích đất sạt lở khoảng 806 m2 và 36m kè đá.
Ngoài công tác đối phó với ngập nước do mưa lớn, biến đổi khí hậu bẳng các công trình cụ thể, thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, không xả rác, vứt rác hoặc lấn chiếm các cống, kênh, mương để tạo thuận lợi việc tiêu thoát nước. Thành phố cũng chỉ đạo rà soát, cắt tỉa cây xanh để tránh đổ, ngã gây nguy hiểm cho người dân.
Theo ông Liêm, việc chống ngập nước, triều cường có hiệu quả là do sự phối hợp nhịp nhàng, liên hệ chặt chẽ với hồ Dầu Tiếng trong công tác xả nước.