TP Hồ Chí Minh: Nguy cơ trắng tay sau phán quyết giao tài sản thế chấp của tòa án

(PLO) - Một doanh nhân có nguy cơ trắng tay sau khi tài sản thế chấp hơn 1,2 triệu cổ phần bị tòa án tuyên giao cho chủ nợ để thay thế cho nghĩa vụ thanh toán. Người vay tiền nhận trách nhiệm trả nợ, cho rằng trong trường hợp thỏa thuận không được, tài sản thế chấp phải được đem bán đấu giá chứ không thể chuyển giao như tòa án khiến ông có nguy cơ trắng tay. Đặc biệt giá trị tài sản thế chấp lớn hơn nhiều so với khoản nợ.

Hứa sẽ thế chấp cổ phần để vay vốn

Vụ án trên xảy ra tại Cty CP Thanh Bình Phú Mỹ (Công ty TBPM, đóng tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, Phước Hòa, Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) nhưng cả nguyên đơn, bị đơn đều có hộ khẩu tại TP HCM nên tòa án quận 1 (TP HCM ) thụ lý.  

Theo nội dung bản án sơ thẩm, ngày 12/2/2012 ông Phạm Quốc Dũng, thành viên của Công ty TBPM vay của bà Nguyễn Thị Thảo Nhi hơn 192 tỷ đồng; 1,21 triệu USD và 100.000 EURO.

Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, trong hợp đồng ông Dũng nói sẽ thế chấp cho bà Nhi 6,4 triệu cổ phần (CP) có mệnh giá 100.000đ/CP, tương đương 640 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40% vốn điều lệ của Công ty TBPM, gấp khoảng 3 lần số tiền ông Dũng vay. Thời hạn trả nợ vay là ngày 31/12/2014. Bên cho vay được toàn quyền xử lý tài sản đảm bảo nêu trên để thu hồi gốc và lãi vay. Theo bản án, ngày 26/10/2014 bà Nhi đã đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp trên tại Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại TP HCM.

Do ông Dũng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngày 27/3/2017 bà Nhi có Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm gửi ông Dũng nhằm thu hồi nợ vay. Thông báo này nêu rõ bà Nhi sẽ nhận chuyển nhượng 1.272.248 CP để thu hồi nợ. Nếu theo quy định của pháp luật bà không thể nhận chuyển nhượng số CP nêu trên thì số CP này sẽ được bán đấu giá và bà sẽ được ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ gốc và lãi vay.

Đến ngày 7/4/2017 bà Nhi và ông Dũng đã ký lập thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm, theo đó ông Dũng đồng ý để bà Nhi xử lý 1.272.448 CP là toàn bộ phần vốn góp của ông Dũng trong Công ty TBPM để cấn trừ một phần nghĩa vụ trả nợ. Thỏa thuận cũng nêu rằng trong trường hợp tài sản bảo đảm bị bán đấu giá, sau khi thanh toán các chi phí liên quan sẽ được thanh toán cho bên nhận thế chấp để cấn trừ khoản nợ.

Cũng theo trình bày của các bên, ngày 28/5/2014 (trước thời điểm bà Nhi đăng ký giao dịch bảo đảm) ông Dũng đã cầm cố tại Chi nhánh Agribank An Sương, TP HCM 40% CP của Công ty TBPM để đảm bảo cho một khoản vay ở ngân hàng này. Tới ngày 12/7/2016 ông Dũng tiếp tục cầm cố 5% CP của mình tương đương 80 tỷ đồng cũng tại chi nhánh ngân hàng trên để vay tiền. Tới ngày 20/7/2016 Agribank An Sương và ông Dũng đi đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại TP HCM.

Xử lý tài sản thế chấp không qua đấu giá

Vì ông Dũng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bà Nhi khởi kiện ra TAND Q1 TP HCM đề nghị được chuyển giao quyền sở hữu 1.272.248 CP của ông Dũng tại Công ty TBPM để cấn trừ 127, 2248 tỷ đồng.

Ngày 6/8/2018 TAND Q1 đưa vụ án ra xét xử. Ông Dũng thừa nhận có nghĩa vụ trả cho bà Nhi 127,2448 tỷ đồng cũng như nợ gốc còn lại nhưng không đồng ý chuyển giao CP của ông tại Công ty TBPM cho bà Nhi. Ông Dũng cũng cho biết không cùng bà Nhi tiến hành thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản TP HCM. 

Bị đơn viện dẫn “Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm” tại Nghị định 163/2006 cho rằng trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Theo đó, trong trường hợp không thỏa thuận được, tài sản của ông phải được đấu giá và bà Nhi sẽ được ưu tiên thanh toán trước để thu hồi nợ, lãi vay.

Kết thúc phiên xét xử, tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nhi, quyết định giao cho bà Nhi 1.272.248 CP của ông Dũng tại Công ty TBPM thay thế cho nghĩa vụ thanh toán 127,2248 tỷ đồng của ông này đối với bà mà không cần thông qua việc đấu giá.

Sau phiên tòa sơ thẩm ông Dũng và ngân hàng cùng kháng cáo. Riêng ông Dũng còn có đơn kêu cứu bởi theo ông CP trong Công ty TBPM chủ yếu là bất động sản có giá trị cao hơn khoản nợ ông Dũng vay bà Nhi. Ông Dũng cho hay từ năm 2012 tới nay giá cả đất đai đã tăng cao, vì vậy tòa án tuyên buộc ông chuyển thẳng CP cho bà Nhi mà không xử lý tài sản qua đấu giá khiến ông thiệt hại nặng, mất nhà cửa, khốn quẫn trong khi nợ ngân hàng không thể trả.

Hiện TAND TP HCM đã thụ lý vụ án. Ông Dũng cho biết theo giấy triệu tập, phiên xét xử phúc thẩm sẽ mở vào ngày 16/10/2018 và chủ tọa là vợ của chánh án TAND quận 1, cơ quan đã ban hành bản án sơ thẩm trước đó. 

Đọc thêm