Qua kiểm tra cho thấy, các gói bột ngọt thành phẩm thương hiệu A-One, loại 350g, 400g, 1kg... dù trên bao bì ghi rõ “sản xuất tại Việt Nam”, nhưng toàn bộ nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan.
Khu sản xuất bột ngọt có ba tầng tương ứng với ba công đoạn sản xuất. Tầng trên cùng chứa nguyên liệu nhập khẩu, công nhân phụ trách đang đổ bột ngọt nguyên liệu vào máy. Hai máy đóng gói tự động ở tầng một, chia bột ngọt từ bao 25kg thành những gói nhỏ, sau đó được đóng vào những thùng cac tông dưới tầng trệt.
Tại khu tầng trệt, hàng trăm thùng bột ngọt mang thương hiệu A-One được chất kín chờ xuất xưởng đưa ra thị trường. Hiện trường còn ghi nhận có hàng ngàn tấn nguyên liệu bột ngọt được phủ bạt mới được nhập khẩu về chờ đưa vào đóng gói. Theo quy trình này, nguyên liệu nhập khẩu được đóng gói trực tiếp chứ không sản xuất như công bố. Với những dấu hiệu sai phạm ban đầu, cơ quan chức năng tạm giữ toàn bộ hàng hóa bột ngọt thành phẩm để làm rõ.
Được biết, từ đầu tháng 1/2016 đến nay, Saigon Ve Wong đã nhập 1.200 tấn nguyên liệu bột ngọt từ Trung Quốc để phục vụ việc đóng gói, sản xuất bột ngọt, bột nêm, phụ gia mì ăn liền.
Năm 1990, Công ty Ve Wong (Đài Loan) và Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh hợp tác thành lập Xí nghiệp liên doanh Saigon Ve Wong tại Việt Nam. Năm 2007, Saigon Ve Wong chuyển đổi thành Công ty TNHH Saigon Ve Wong, 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột ngọt, thực phẩm ăn liền, rau quả sấy khô...
Saigon Ve Wong hiện sản xuất nhều sản phẩm khác như là: Mì ăn liền Aone hương vị truyền thống, Kungfu hương vị độc đáo, Sức Sống hương vị hiện đại; phở gói, phở tô, hủ tiếu Aone; mì chay, phở chay, hủ tiếu chay Nhãn hiệu Hương Sen; và các loại chế phẩm gia vị như bột canh, bột súp, bột nêm.
Tháng 11/2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh mở rộng điều tra vụ làm bột ngọt giả quy mô lớn sau khi các trinh sát phát hiện Bùi Thành Lợi (32 tuổi, quê An Giang) và Lý Kim Thành (34 tuổi, quê Sóc Trăng) đang bốc 8 bao bột ngọt nghi làm giả thương hiệu chuẩn bị đi giao hàng tại một ngôi nhà trên đường Bình Phú, P.11, Q.6.
Khám xét khẩn cấp tại ngôi nhà trên, cơ quan công an phát hiện thêm hơn 70 bao bột nêm, gần 2.600 gói bột ngọt nghi làm giả, một máy ép miệng bao và hàng ngàn vỏ bao mang nhãn hiệu các hãng bột ngọt nổi tiếng. Theo lời khai, cách thức làm giả là mua các loại bột ngọt trôi nổi xuất xứ Trung Quốc, mua bao gói sản phẩm giả cũng từ Trung Quốc, sau đó đóng gói đưa ra khu vực chợ Bình Tây bán sỉ cho các đại lý.
- Tháng 10/2015 Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh tạm giữ 70 tấn bột ngọt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng tại một kho hàng của Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Phương Thành Lộc trên quốc lộ 1, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Đại diện chi nhánh công ty này cho biết bột ngọt nhập từ Trung Quốc, số lượng 3.820 bao, mỗi bao nặng 25kg. Qua kết quả giám định, trong số này có 2.800 bao bên ngoài in hình “3 con tôm” không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ gia thực phẩm và không được phép lưu hành trên thị trường.