Điều đáng nói, mặc dù địa phương đã vào cuộc nhưng việc giải quyết vấn đề không thỏa đáng khiến ông Cường suốt nhiều năm ròng đâm đơn kêu cứu...
Liên tiếp bị "khủng bố"
Theo phản ánh, năm 2013, ông Huỳnh Cường có mâu thuẫn với hộ gia đình đối diện là hộ ông Út Hoàng - nguyên Trưởng Công an xã Trung Chánh.
“Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc trong một lần ông Hoàng và một số người đang nhậu có mời tôi nhưng tôi từ chối vì mệt nên từ đó ông Hoàng và những người trong gia đình có hiềm khích với tôi”, ông Cường chia sẻ.
Sau đó, gia đình ông lắp 2 bóng đèn cảm ứng chống trộm trong phạm vi căn hộ của mình. “Nhưng họ lại cho rằng ánh sáng của đèn chiếu sang nhà họ và yêu cầu gia đình tôi gỡ xuống.
Chúng tôi không đồng ý vì điều này quá vô lý, vậy nên ông Hoàng và những người trong gia đình đã có những hành vi nhục mạ, nhiều lần kéo sang nhà tôi lớn tiếng chửi bới, hăm dọa tôi và nguời nhà”, ông Cường trình bày.
Quan hệ càng trở nên căng thẳng khi căn nhà kế bên (căn nhà số 2/4 của ông Nguyễn Xuân Thanh) tiến hành xây dựng vào khoảng tháng 5/2014. Người nhận thầu thi công nhà ông Thanh là ông Trần Hoài Anh (con rể ông Út Hoàng).
Theo đó, trong quá trình xây dựng, ông Thanh đã không có biện pháp bảo đảm an toàn cho căn hộ liền kề trong tháo dỡ và thi công công trình theo quy định. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến nhà ông Cường bị nứt, thấm nhiều vị trí.
Sau đó, ông Cường đã gửi đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương yêu cầu ông Thanh bồi thường. Sau khi có kết quả giám định, ông Cường đã chấp nhận cho phía bên kia bồi thường mức giá 26 triệu đồng.
Tưởng chừng mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa thế nhưng trong khi ông Cường chưa kịp sửa chữa lại nhà thì sau ngày kiểm định 27/6/2014, nhóm thợ thi công của ông Trần Hoài Anh tiếp tục có hành vi như đục móng, đục tường, bẻ sắt hàng rào chống trộm trên sân thượng, đục phá tường cổng rào dẫn đến hư hỏng nặng. “Tôi đã đến công an xã trình báo mà không được giải quyết”, ông Cường trình bày.
Quá bức xúc, ông Cường đã gửi đơn tố cáo đến Công an Xã Trung Chánh và Công an Huyện Hóc Môn. Ngày 9/10/2014, Công an huyện Hóc Môn xuống hiện trường xem xét và mời ông Cường lên trụ sở để lập biên bản làm việc.
Điều đáng nói, là người đi tố cáo nhưng ngày 28/10/2014, ông Cường lại bất ngờ nhận được “Giấy triệu tập bị can” do điều tra viên Nguyễn Văn Điện ký, nội dung triệu tập ông Cường vào 8h00 ngày 31/10/2014 có mặt tại đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Hóc Môn) để làm việc.
Việc bỗng dưng nhận được giấy "triệu tập bị can" khiến ông Cường rất bức xúc và hoang mang vì ông là bị hại trong vụ việc và làm đơn tố cáo những hành vi sai trái nhưng lại nhận được thư mời làm việc như tội phạm.
Sau đó, vụ việc thợ thi công làm hư hại tài sản nhà ông Cường được cơ quan chức năng nhận định không có dấu hiệu hình sự nên cơ quan công an không khởi tố vụ án và hướng dẫn ông Cường làm đơn khởi kiện lên TAND TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Cường: "Người thân trong gia đình ông Út Hoàng nhiều lần sang nhà tôi có những lời lẽ xúc phạm, đe dọa.
Không những thế, trước đó năm 2013, ông Hồ Anh Tuấn (cán bộ Công an huyện Hóc Môn, con trai ông Út Hoàng) còn có hành vi “xâm phạm chỗ ở của tôi”, sau đó tôi đã 5 lần gửi đơn tố cáo ông Tuấn lên Công an huyện Hóc Môn nhưng không có bất kỳ phản hồi nào. Những vụ việc trên đều được camera quay lại".
Ông Cường sau đó đã gửi đơn kiện phía ông Út Hoàng ra TAND TP.HCM về việc “bồi thường thiệt hại nhân phẩm, danh dự” và đã được TAND TP.HCM thụ lý.
Trong khoảng thời gian đi kiện, gia đình ông Cường còn liên tiếp bị các đối tượng "xã hội đen" đến nhà "khủng bố" bằng việc ném chất thải vào nhà như trứng thối, sơn, nhớt, chất thải, tạt xi măng...
Ông Cường kể lại: "Tôi đã bị kẻ xấu đến phá hoại tài sản, ném chất thải vào nhà tổng cộng 8 lần. Đơn cử, ngày 03/11/2014, có người ném đá vào nhà làm bể tường mặt tiền nhà. Ngày 03/11/2014, kẻ xấu dùng nhớt bẩn và phân ném vào nhà tôi.
Ngày 19/11/2014, các đối tượng "lạ mặt" tiếp tục tạt phân thúi và mắm tôm dơ bẩn. Ngày 24/12/2014, chúng tiếp tục tạt rất nhiều nước sơn màu đỏ, đồ hôi thối vào bên trong cổng nhà của tôi, tạo thành những vết loang mảng lớn, dính vào mặt tiền, hư hại cây kiểng, diện tích nền bên trong nhà của tôi".
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này phía mặt trước và sâu bên trong ngôi nhà của ông Cường vẫn còn nhiều vết sơn đỏ do các đối tượng "xã hội đen" ném vào.
Cũng theo ông Cường, trong quá trình tòa thụ lý, ông có lên tòa án trích lục hồ sơ thì tòa có cung cấp một bản báo cáo (do ông Út Hoàng nộp cho tòa án) của Công an xã Trung Chánh gửi Công an huyện Hóc Môn và Công an TP.HCM.
Theo đó, công an xã lại ngang nhiên cho rằng ông Cường “có dấu hiệu thần kinh không bình thường, luôn nghi ngờ có người đe dọa tính mạng và tài sản của mình...”.
|
Ông Huỳnh Cường bức xúc trình bày vụ việc |
Bức xúc, ông Cường làm đơn khiếu nại, yêu cầu công an xã phải xin lỗi vì nói ông "thần kinh không bình thường". Liên quan đến vụ việc này, ngày 8/3/2016, ông Cường nhận được giấy mời của Công an xã Trung Chánh mời ông ngày 11/3 đến Ban Nhân dân ấp Vạn Hạnh với lý do “về việc mở cuộc họp công khai xin lỗi đương sự”.
Theo kế hoạch, ngày 11/3, Công an xã Trung Chánh sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Huỳnh Cường. Tuy nhiên, buổi xin lỗi sau đó đã bị tạm hoãn khi có sự xuất hiện của nhà báo, luật sư.
"Sự việc diễn ra liên tục như trên làm cho tôi vô cùng lo lắng, tinh thần luôn trong trạng thái bất an, thậm chí không dám ra đường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc của tôi.
Tôi cũng không thể đoán được họ sẽ tiếp tục có những hành vi nguy hiểm nào khác nữa nhằm uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của tôi. Hơn thế nữa nó còn làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, xâm phạm quyền cư trú hợp pháp của tôi", ông Cường bức xúc nói.
Chính quyền có làm ngơ?
Từ khi gửi đơn kiện đi các nơi đến nay, ông Cường cho biết vụ việc của ông vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.Hiện, ông Cường vẫn đang trông ngóng hai vụ kiện mà trước đó Tòa án TP.HCM đã thụ lý ngày 02/10/14 (vụ việc bồi thường thiệt hại nhân phẩm, danh dự) và ngày 25/11/2015 (vụ việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do xây dựng) nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Và mặc dù đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền TP.HCM mong được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưngđến thời điểm này ông Cường vẫn mòn mỏi chờ đợi.
"Buổi xin lỗi công khai mà Công an xã Trung Chánh mời tôi lên bị tạm hoãn từ ngày 11/3/2016 đến giờ vẫn chưa được thực hiện. Không biết việc xin lỗi công khai có phải chỉ để mang tính hình thức hay nhằm mục đích gì? Đặc biệt, việc gia đình tôi bị các đối tượng "xã hội đen" liên tiếp đến "khủng bố" chưa được giải quyết dứt điểm khiến tâm lý của tôi luôn cảm thấy bất an", ông Huỳnh Cường lo lắng chia sẻ.
Sau khi tiếp nhận hàng loạt phản ánh của ông Huỳnh Cường, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện Công an huyện Hóc Môn. Cung cấp thông tin cho phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Tài (Đội trưởng đội Điều tra tổng hợp) cho biết:
Trước hết, lý do công an xã có mời ông Huỳnh Cường lên trụ sở để xin lỗi công khai (ngày 11/3/2016), tuy nhiên sau đó lại hủy bỏ là vì công an xã tổ chức buổi xin lỗi đó nhưng không báo lên lãnh đạo công an huyện.
Liên quan đến việc ông Huỳnh Cường bức xúc khi cán bộ điều tra - Đội điều tra tổng hợp gửi giấy "triệu tập bị can" gửi ông Cường, ông Tài cho hay do cán bộ điều tra "viết nhầm"(?), Công an huyện đã kiểm điểm ông Nguyễn Văn Điện (người ký giấy mời).
Về hướng giải quyết, ông Tài cho biết: "Theo chỉ đạo, Công an huyện Hóc Môn sẽ phối hợp với công an xã để giải quyết. Trong tuần sau (29/8/2016 đến ngày 4/9/2016 - PV) sẽ mời ông Cường lên UBND xã Trung Chánh để làm việc về hai nội dung trên".
Tuy nhiên, ông Cường cho biết, đến thời điểm hiện tại (ngày 5/9), ông chưa hề nhận được bất kỳ thông báo nào của cơ quan chức năng.
Về vấn đề ông Huỳnh Cường tố mình bị đối tượng "xã hội đen" liên tiếp đến nhà "khủng bố" bằng việc ném chất thải (sơn, nhớt, trứng thối,...), đại diện Công an huyện Hóc Môn cho hay, sau khi tiếp nhận phản ánh của bị hại, Công an huyện xác định đây là hành vi vi phạm hành chính nên đã chuyển về cho Công an xã Trung Chánh thụ lý. Tuy nhiên do không xác định được người vi phạm nên không thể xử lý!!!
Điều đáng nói việc gia đình ông Cường liên tiếp bị “khủng bố” nhiều lần như vậy thì liệu rằng Công an xã Trung Chánh đã làm tốt vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương hay chưa?
Bên cạnh đó, ông Cường cũng phản ánh việc mình nhiều lần đến công an xã đăng ký tạm trú nhưng bị gây khó dễ, mặc dù các vụ việc này không liên quan đến nhau, điều đó càng khiến ông mất niềm tin vào những “công bộc” của dân.
Về việc ông Huỳnh Cường tố bị phá hoại tài sản như đục móng, đục tường cắt phá hàng rào đập hư hại mái tôn nhà...Thượng tá Tài thông tin, sau khi xác minh, cơ quan Công an huyện Hóc Môn đã điều tra và thấy không có dấu hiệu hủy hoại tài sản, yếu tố cấu thành tội phạm nên đã ra quyết định số 14 ngày 5/2/2014 về việc không khởi tố vụ án hình sự. Việc này cũng được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
|
Ông Cường chỉ những vết cắt lưới thép trên sân thượng |
Cần sớm giải quyết dứt điểm
Thanh Ngọc
Với những hành vi trong các vụ việc nêu trên cùng với những bằng chứng mà ông Cường cung cấp, cơ quan chức năng cần sớm có những biện pháp xử lý thích đáng để bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như đảm bảo đúng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa của Pháp luật Việt Nam.
Cần phải xử lý nghiêm
Trao đổi về những vấn đề mà ông Huỳnh Cường phản ánh, Luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật Ltd kingdom phân tích: Trước hết, về việc“gia đình ông Cường nhiều lần bị ném chất thải vào nhà. Cơ quan chức năng nói rằng đây chỉ là hành vi vi phạm hành chính, nhưng không tìm được thủ phạm nên không thể xử lý” là sai.
Theo luật sưĐạt hành vi này không những gây tổn hại về vật chất mà còn gây tổn hại về tinh thần cho cả gia đình ông. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền, nên đây là một hành vi đáng lên án, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm quy định của pháp luật và xâm phạm trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân.
Đối với hành vi này, cơ quan công an có thể ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng bày tỏ quan điểm về việc này, ông cho rằng: Công an xã và công an huyện không điều tra được đối tượng thì không thể chủ quan duy ý chí để kết luận đơn giản như vậy nhằm chìm xuồng vụ việc.
Việc nhiều lần “khủng bố” có thể là một biểu hiện cho thấy mâu thuẫn đã và đang có với ông Huỳnh Cường, sự lặp lại nhiều lần cho thấy mức độ có tổ chức và quyết tâm thực hiện những hành vi khác tới cùng, không dễ người vi phạm có thể lộng hành như vậy nhiều lần và trong thời gian dài.
Bộ luật hình sự quy định “Tội gây rối trật tự công cộng” đối với những người đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này, do đó việc công an các cấp nhận định và xem nhẹ vụ việc có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, xem thường pháp luật của người vi phạm, buông lỏng quản lý.
Công an huyện cần trả lời thẳng thắn cho người dân an tâm về nội dung kết quả điều tra và trách nhiệm của mình, đồng thời khuyến khích người dân phản ánh, tố cáo về những hành vi vi phạm.
Tòa có “ngâm” hồ sơ?
Trao đổi về việc ông Huỳnh Cường phản ánh, Tòa án đã thụ lý hai vụ việc (bồi thường thiệt hại nhân phẩm, danh dự và vụ việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do xây dựng), tuy nhiên đến nay chưa đưa ra xét xử, Luật sư Lương Thành Đạt cho biết: Áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Theo đó Điều 179 quy định về Thời hạn chuẩn bị xét xử như sau: “1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau. a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; c) Đình chỉ giải quyết vụ án; d) Đưa vụ án ra xét xử. 3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.”
Theo đó, Tòa án sau khi thụ lý, trong thời hạn quy định phải đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 nêu trên. Trường hợp này, tính đến nay đã quá thời hạn theo quy định vẫn chưa có bất cứ một quyết định nào, đây là một thiếu sót lớn của Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, trách nhiệm này còn thuộc về Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Bởi lẽ, cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật của Tòa án nhân dân cùng cấp.
Luật sư Trần Đức Phượng cũng có nhận định về vụ việc:Hai vụ án Tòa thụ lý từ năm 2014 và năm 2015 nhưng đến nay chưa xét xử có thể do đang tạm đình chỉ giải quyết nhưng do lỗi khâu tống đạt giấy tờ của tòa nên ông Huỳnh Cường không có thông tin gì, do đó ông Huỳnh Cường có thể liên hệ tòa để xem tiến trình giải quyết.
Trường hợp tòa không giải quyết vụ án hoặc tạm đình chỉ không đúng pháp luật thì ông Huỳnh Cường nên đề nghị thay đổi thẩm phán, khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, vấn đề ông Cường tố cáo (năm 2013) ông Hồ Anh Tuấn (cán bộ Công an huyện Hóc Môn, con ông Hồ Út Hoàng) lên Công an huyện Hóc Môn về việc ông Tuấn xâm phạm gia cư bất hợp pháp và có lời lẽ xúc phạm tới gia đình ông Cường nhưng đến nay chưa có câu trả lời, Luật sư Lương Thành Đạt viện dẫn:
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại đạo luật cơ bản nhất của nước ta – Hiến pháp 2013 và các văn bản luật chuyên ngành khác.
Điều 22 Luật Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Điều 46 bộ luật dân sự năm 2005 cũng có quy định cụ thể về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân như sau:“Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý.
Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
Luật sư Trần Đức Phượng nhận định: Việc giải quyết đơn tố cáo của công dân đã được quy định tại Luật tố cáo năm 2011, nếu cơ quan nhà nước nhận được đơn tố cáo mà không giải quyết trong thời hạn hoặc chưa thỏa đáng theo Luật định thì ông Cường cần có đơn gửi lên cơ quan cấp trên của cơ quan đó để làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền không giải quyết đơn tố cáo theo quy định Luật tố cáo năm 2011.
Có thể nói, việc các ngành chức năng giải quyết những vấn đề mà ông Huỳnh Cường phản ánh theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, ông Cường lại là một Việt kiều hướng về quê hương và trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" sau hơn 30 năm.
Thiết nghĩ các ngành chức năng TP HCM cần rốt ráo giải quyết vụ việc, không để khiếu nại kéo dài, làm mất lòng tin của dân. Có như vậy, chúng ta mới khiến người dân tin vào pháp luật và khuyến khích được những Việt kiều về nguồn cội và cống hiến xây dựng đất nước.