TP Hồ Chí Minh: Vụ tranh chấp 21 năm chưa hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Căn nhà trị giá cao bị tranh chấp 21 năm chưa có hồi kết. Di chúc của người quá cố có nhiều vấn đề bất hợp pháp khi ý nguyện là để lại căn nhà làm nơi thờ cúng, nhưng người được nhận di chúc lại mang đi bán.
Căn nhà tranh chấp 21 năm vẫn chưa có hồi kết.
Căn nhà tranh chấp 21 năm vẫn chưa có hồi kết.

Mang căn nhà thờ tự đi bán 

Theo hồ sơ, căn nhà 408 và 408A đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP HCM là của vợ chồng cụ Hồ Văn Lực (mất năm 1920) và vợ là cụ Võ Thị Thanh (mất năm 1938). Đây là căn nhà từ đường nằm trong khuôn viên chùa Đức Trường Tự.

Vợ chồng cụ Lực có hai người con là bà Hồ Thị Lễ và ông Hồ Văn Nhiều (còn các con khác nhưng chết từ nhỏ). Ông Nhiều không có con. Bà Lễ có con là bà Hồ Thị Giàu. 

Bà Giàu có các con Hồ Thị Dung, Hồ Thị Hường, Hồ Minh Tâm và Hồ Thị Phước (mất năm 1987). 

Từ khi còn nhỏ đến năm 1978, gia đình bà Lễ, ông Nhiều đều sống chung trong căn nhà nêu trên. Sau đó, gia đình bà Lễ đi kinh tế mới, căn nhà do ông Nhiều quản lý, sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà.

Bất ngờ, ngày 11/12/1981, ông Nhiều lập di chúc để lại căn nhà cho bà Phan Ngọc Xuân Hoa. Di chúc nêu rõ là để lại căn nhà cho bà Hoa làm nơi thờ cúng. Bà Hoa tự xưng là con nuôi của ông Nhiều. Sau khi ông Nhiều mất, bà Hoa đi làm di sản thừa kế đứng tên sở hữu căn nhà 408 và 408A.

Năm 2000, ông Tâm gọi cụ Lực là ông cố đã khởi kiện bà Hoa ra tòa án quận 3 về “tranh chấp thừa kế” với căn nhà số 408, 408A.

Đồng thời, ông Tâm tố cáo bản di chúc mà ông Nhiều để lại cho bà Hoa có dấu hiệu giả mạo, bất hợp pháp. “Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đã giám định di chúc do bà Hoa tự viết ra, tự ghi họ tên ông Nhiều. Còn ông Giao, Phó Chủ tịch UBND phường 10, quận 3 nay là phường 5, quận 3 đã thừa nhận khi chứng chữ ký ông Nhiều tại tờ di chúc là không có mặt ông Nhiều. Ông Nhiều không biết chữ. Do đó, di chúc nêu trên không hợp lệ”, đơn tố cáo nếu.

Ngoài ra, di sản là căn nhà 408 và 408A có hai thừa kế là bà Lễ và ông Nhiều, chứ không phải của riêng ông Nhiều, nên di chúc không đúng pháp luật.

Vụ án trải qua nhiều lần xét xử và bị giám đốc thẩm hủy án trả về xét xử lại. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm gần đây nhất, xác định di chúc của ông Nhiều để lại cho bà Hoa có nội dung trái quy định pháp luật nên HĐXX không phải xem xét về hình thức cũng như trình tự lập di chúc. Tòa án xác định việc ông Nhiều lập di chúc để lại tài sản này cho bà Phan Ngọc Xuân Hoa là không đúng quy định pháp luật, nên di chúc không phát sinh hiệu lực.

Từ đó, cả hai cấp toàn đều tuyên buộc bà Hoa phải trả lại căn nhà 408 và 408A cho ông Tâm và các đồng thừa kế khác của cụ Lực. Đối với những giao dịch chuyển nhượng, thế chấp phát sinh do bà Hoa tự ý thực hiện khi tòa án đang xét xử và trên hệ thống công chứng có ghi rõ là tài sản đang tranh chấp thì hai bản án tuyên vô hiệu.

Việc bà Hoa chuyển nhượng căn nhà 408 và 408A là hoàn trái với di chúc của ông Nhiều. Ông Nhiều để lại di chúc với ý nguyện là giao tài sản cho bà Hoa để thờ cúng. Tại Điều 673 Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định: “Trong trường hợp người để lại di chúc có để lại một phần di sản vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng, nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo đúng thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế đó có quyền giao di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng’’.

Bất ngờ kháng nghị, kéo dài vụ tranh chấp 20 năm

Không đồng ý với bản án của hai cấp tòa, bà Hoa và những người có liên quan (giao dịch mua bán, thế chấp căn nhà) có đơn đề nghị cấp giám đốc thẩm kháng nghị.

Ngày 17/11/2020, VKSND Cấp cao tại TP HCM có Thông báo 333/TB-VKS-P1 về việc không kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án đã có hiệu lực pháp luật.

VKSND Cấp cao cho rằng, với việc vi phạm tố tụng, không đưa một số đương sự vào tham gia vụ án, sau khi cấp sơ thẩm xét xử bị các đương sự kháng cáo và đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì ngày 10/8/2018 lại phát sinh hai giao dịch mới. Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch ngân hàng không thực hiện việc xác minh nguồn gốc căn nhà và tình trạng pháp lý tại thời điểm nhận thế chấp. Việc các đương sự, ngân hàng tự ý thỏa thuận chuyển dịch tài sản đang bị tranh chấp do tòa án thụ lý giải quyết là trái pháp luật. Do đó, tòa án không đưa các đương sự mới phát sinh vào quá trình giải quyết vụ án là đúng qui định pháp luật, không bỏ sót tư cách đương sự.

Thông báo không kháng nghị còn nhận định, giao dịch chuyển nhượng nhà đất tại số 408 - 408A Nguyễn Thị Minh Khai giữa các đương sự là không ngay tình, trái qui định pháp luật, có dấu hiệu tẩu tán tài sản.

“Tòa án hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố các hợp đồng mua bán nhà đất nêu trên vô hiệu là có cơ sở. Do đó, không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên”, VKSND Cấp cao tại TP HCM nêu.

Bất ngờ, ngày 18/3/2021, TAND Cấp cao tại TP HCM lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo ông Tâm, kháng nghị của TAND Cấp cao tại TP HCM là không có cơ sở. Ông Tâm cho hay các tình tiết, căn cứ pháp lý trong vụ kiện đã được TAND quận 3, TAND TP HCM, VKSND Cấp cao tại TP HCM nêu rất rõ ràng; đề nghị của bà Hoa và những người có liên quan (giao dịch mua bán, thế chấp căn nhà) đề nghị cấp giám đốc thẩm kháng nghị là không có căn cứ. “Vì vậy tôi rất khó hiểu khi TAND Cấp cao tại TP HCM lại ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm sự việc này”, ông nói.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến sự việc.

Đọc thêm