TP Hồ Chí Minh xin ý kiến, gỡ vướng cho dân Khu đô thị Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Hồ Chí Minh đang xin ý kiến Thủ tướng việc giảm diện tích Khu đô thị Tây Bắc, để người dân trong khu được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Các nhà đầu tư thực hiện các dự án mới tại Khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh.
Các nhà đầu tư thực hiện các dự án mới tại Khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, người dân tại dự án Khu đô thị Tây Bắc Thành phố (trên địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi) đã có ý kiến, yêu cầu TP HCM tháo gỡ các vướng mắc để người dân không phải chịu cảnh quy hoạch treo từ nhiều năm nay.

Người dân cho biết, Quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc Thành phố (KĐT TB) được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2013, diện tích hơn 6.000 ha (bao gồm hơn 1.000 ha thuộc khu dân cư hiện hữu). Năm 2016, UBND Thành phố đồng ý giữ lại ranh khu dân cư hiện hữu và tiến hành điều chỉnh quy hoạch KĐT TB.

Đến cuối năm 2020, UBND huyện tổ chức lấy ý kiến người dân về việc điều chỉnh quy hoạch nhưng đến nay, khu này vẫn chưa được điều chỉnh quy hoạch.

Vì sự chậm trễ đó, suốt nhiều năm qua, người dân trong khu quy hoạch này đã không được thực hiện các quyền như chuyển mục đích sử dụng, tách thửa, xây dựng nhà ở... Do vậy, ngươi dân kiến nghị UBND Thành phổ sớm phê duyệt quy hoạch để người dân được thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhằm đảm bảo cuộc sống.

Trước kiến nghị này, mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh có văn bản cho biết, từ trước những năm 2000, KĐT TB được định hướng trở thành một trong các khu đô thị vệ tinh của Thành phố trong chiến lược phát triển Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, do cách xa Trung tâm Thành phố (hơn 30 km) nên việc kết nối mạng lưới hạ tầng khu vực, các đầu mối giao thông, giao thương kinh tế, hành chính của khu này với các khu vực lân cận khác chưa thuận tiện và đầy đủ. Thành phố cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, các giải pháp quản lý (thành lập Ban Quản lý đầu tư xây dựng), kêu gọi đầu tư... nhưng công tác triển khai, thực hiện theo quy hoạch cũng như thu hút đầu tư, xây dựng khu đô thị theo định hướng nêu trên chưa thể hình thành, thực thi được. Điều này dẫn đến tình trạng bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư cho Khu đô thị Tây Bắc để trở thành một trong các khu đô thị vệ tinh của Thành phố.

TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư cho Khu đô thị Tây Bắc để trở thành một trong các khu đô thị vệ tinh của Thành phố.

Vừa qua, Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh, một phần khu dân cư hiện hữu có diện tích khoảng 1.674 ha (nằm trong ranh quy hoạch KĐT TB) được giữ lại để cải tạo chỉnh trang.

Khu dân cư hiện hữu sẽ được tách ra khỏi định hướng Khu đô thị mới do hiện trạng nhà ở xây dựng dày đặc, dẫn đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng là không khả thi. Nếu tiếp tục làm, nó sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, lập đồ án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận thấy, việc tách một phần diện tích (1.674 ha) tại khu vực được quy hoạch khu đô thị mới (hơn 6.000 ha) thành khu dân cư hiện hữu trên thực tế làm giảm ranh KĐT TB. Mặt khác, do tính chất của khu dân cư hiện hữu chỉnh trang, nếu không được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở thì sẽ không phù hợp với tính chất của khu đô thị mới.

Do đó, nội dung điều chỉnh nêu trên cần được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép giảm diện tích KĐT TB từ hơn 6.000 ha còn khoảng 4.410 ha trước khi lập điều chỉnh Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 KĐT TB. Điều này cũng nhằm đảm bảo tính chặt chẽ về mặt pháp lý theo quy định pháp luật về quy hoạch và đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ hướng dẫn Ban Quản lý KĐT TB lập điều chỉnh Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, thẩm định và trình cho UBND Thành phố phê duyệt trước khi phê duyệt Đồ án. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ cập nhật nội dung điều chỉnh nêu trên vào Đồ án quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Đọc thêm