Phù Cát sẽ phát triển 6 đô thị để trở thành vùng trọng điểm phát triển du lịch của Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Cát đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Thị trấn Ngô Mây là trung tâm phát triển kinh tế của huyện Phù Cát.
Thị trấn Ngô Mây là trung tâm phát triển kinh tế của huyện Phù Cát.

Theo đồ án, huyện Phù Cát được quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện với 18 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn và 16 xã, với tổng diện tích 680,7km2.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Cát để xây dựng các tiêu chí phù hợp theo quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018.

Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch ngành, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035; là khu vực kinh tế tổng hợp công nghiệp, thương mại, đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định; là vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở các tiềm năng về hệ sinh thái biển và các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương; là trung tâm dịch vụ vận tải hàng không, đường bộ quốc gia, đường biển.

Định hướng đến năm 2030, Phù Cát đạt khoảng 245.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 86.200 người; đến năm 2040, dân số đạt khoảng 300.000 người, dân số nội thị khoảng 113.500 người. Tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế đến năm 2030 khoảng 65%; đến năm 2040, chiếm khoảng 67% dân số.

Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 2.184 ha; đến năm 2040 khoảng 2.493 ha. Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn đến năm 2030 khoảng 5.286 ha; đến năm 2040 khoảng 5.576 ha. Phấn đấu đến năm 2030 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Định hướng phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, huyện Phù Cát sẽ có 6 đô thị: Ngô Mây, Cát Tiến, Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành và Cát Hanh. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa huyện Phù Cát đến năm 2030 khoảng 37%, đến năm 2040 khoảng 39,82%. Khu vực đô thị hóa mạnh tập trung vùng phía Đông và phía Tây Núi Bà.

Phù Cát sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, phát triển đa dạng các loại hình và sản phẩm du lịch, bao gồm: Khu du lịch suối nước nóng Hội Vân; Khu du lịch suối khoáng Chánh Thắng; Khu du lịch sinh thái núi Bà; Khu du lịch Trung Lương - Vĩnh Hội; khu vực dọc biển từ Cát Tiến đến Cát Khánh; các điểm du lịch cộng đồng và trải nghiệm trên cơ sở khai thác bền vững giá trị về tài nguyên thiên nhiên.

Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng các khu du lịch với xây dựng các khu văn hóa thể thao, vui chơi giải trí và phát triển du lịch sinh thái. Thu hút vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Hình thành tuyến kết nối toàn bộ các điểm du lịch quan trọng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

Phù Cát sẽ tập trung phát triển vùng đô thị, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển nằm ở phía Bắc và phía Đông của huyện, bao gồm xã Cát Hải, thị trấn Cát Tiến và 1 phần các xã: Cát Hải, Cát Minh, Cát Thành, Cát Khánh. Định hướng phát triển các khu đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ dọc tuyến đường ven biển ĐT 639. Bảo tồn không gian sinh thái núi Bà, phát triển các loại hình du lịch sinh thái trên núi Bà và phát triển đô thị Cát Tiến là đô thị động lực tại cửa ngõ của Khu kinh tế Nhơn Hội; hình thành đô thị Cát Khánh là đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển…

Đọc thêm