Đau đầu với âm thanh dẫn dụ yến
Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở khu dân cư Đông Điện Biên Phủ và Chợ Dinh (thuộc KV 1 và KV 2, phường Nhơn Bình) liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến của các nhà nuôi yến nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Khoảng 4- 5h sáng đến 9h tối mỗi ngày, tiếng kêu ríu rít inh tai, nhức nhóc liên tục phát ra làm người dân không sao chịu nổi. Tiếng ồn khiến nhiều người mắc các chứng bệnh như ù tai, đau đầu, rối loạn thần kinh; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lớn tuổi và việc học tập của các cháu học sinh.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu dân cư Đông Điện Biên Phủ và Chợ Dinh, hàng chục nhà nuôi yến được “mọc” lên. Tất cả nhà nuôi yến đều cao từ 2 - 3 tầng, tường xây kín mít, trên tường chi chít lỗ thủng là nơi để yến bay ra, vào. Hầu hết các hộ nuôi yến thực hiện mô hình “2 trong 1” theo kiểu “yến ở tầng trên, người ở tầng dưới”.
Để thu hút, dẫn dụ chim yến, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh và mở suốt ngày đêm. Thực trạng này phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường từ chất thải, nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng cuộc sống cộng đồng dân cư…
“Khu Đông Điện Biên Phủ được Nhà nước quy hoạch xây dựng khu dân cư, không phải để một số người làm nhà nuôi yến. Chúng tôi không ngăn cản các hộ nuôi yến, nhưng muốn nuôi thì phải có quy hoạch và cách xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến người khác. Chúng tôi đề nghị UBND TP Quy Nhơn và các ngành chức năng của tỉnh Bình Định sớm kiểm tra, xử lý dứt điểm, trả lại cuộc sống tronh lành, bình yên cho người dân”, ông T.T.H - nhà ở khu dân cư Đông Điện Biên Phủ, bức xúc.
Kiểm tra, xử lý: Còn lúng túng
Ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, cho biết: “Trên địa bàn phường chưa có khu vực nào được ngành chức năng quy hoạch vào mục đích nuôi yến; hầu hết người dân nuôi theo kiểu tự phát. Biết vậy, nhưng UBND phường không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý những trường hợp này. Chúng tôi mong các cấp, các ngành liên quan của thành phố và tỉnh sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến”.
Để rõ hơn, chúng tôi liên hệ với Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn tìm hiểu về việc cấp phép nuôi yến, cũng như cấp phép xây dựng công trình nhà ở nhưng sau đó “biến” thành nhà yến. Ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, khẳng định: “Thành phố chưa cấp phép cho bất kì cơ sở nuôi yến nào, các hộ đều làm tự phát. Việc quản lý các hộ nuôi yến chỉ căn cứ vào Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Nhưng Thông tư quy định chung chung, các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện thì từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Bình Định chưa ban hành. Điều này khiến việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến gặp không ít khó khăn”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Vinh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, thì: Trước khi nuôi yến, các hộ đều làm giấy phép xin xây dựng công trình nhà ở; họ xây dựng nhà theo đúng quy hoạch và giấy phép xây dựng do ngành chức năng cấp. Sau đó, họ hoán cải, tận dụng một phần bên trong nhà để nuôi yến, điều này khiến cơ quan quản lý xây dựng khó có thể xử phạt.
“Từ trước đến nay chưa có văn bản nào cấm người dân nuôi yến, nhưng theo quan điểm của tôi, các nhà yến nằm xen kẽ trong khu dân cư là không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, để kiểm tra, xử lý cần có sự phối hợp của nhiều ngành chức năng liên quan. Đơn cử, để xác định hoạt động nuôi yến có gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn hay không thì phải có sự vào cuộc của ngành tài nguyên - môi trường (TN-MT)”, bà Vinh cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Phòng TN-MT TP Quy Nhơn, cho biết: “Phòng chưa nhận được phản ảnh của người dân liên quan đến việc các hộ nuôi yến gây ô nhiễm tiếng ồn tại phường Nhơn Bình. Nếu có chỉ đạo của UBND TP Quy Nhơn, Phòng TN-MT sẽ phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan kiểm tra, xử lý”.
Như vậy, đến nay, những cơ quan chuyên môn của TP Quy Nhơn liên quan trực tiếp tới hoạt động nuôi yến chưa có biện pháp cụ thể trong kiểm tra, quản lý hoạt động này. Tất cả còn phải chờ văn bản hướng dẫn của ngành nông nghiệp và UBND tỉnh Bình Định; vậy là, các hộ dân tiếp tục bị “tra tấn” bởi âm thanh dẫn dụ yến.
Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng và UBND tỉnh Bình Định sớm ban hành văn bản quy định cụ thể việc kiểm tra, quản lý hoạt động nuôi yến trên địa bàn TP Quy Nhơn nói riêng, cả tỉnh nói chung. Có như vậy, nghề nuôi chim yến mới phát triển bền vững, không gây ra những hệ lụy xấu tác động đến môi trường và đời sống người dân.
Trong tháng 12/2016 sẽ ban hành văn bản quy định về quản lý nuôi chim yến
Đây là thông tin ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y - thuộc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết. Theo ông Pháp, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Bình Định, Chi cục đã lập dự thảo văn bản quy định về quản lý nuôi chim yến gửi các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan góp ý kiến. Đầu tháng 12/2016, Chi cục sẽ tổng hợp các ý kiến, sau đó gửi bảng tổng hợp cùng với dự thảo văn bản cho Sở Tư pháp Bình Định xem xét, thẩm định. Khi Sở Tư pháp Bình Định thẩm định xong, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT Bình Định lập văn bản quy định về quản lý nuôi chim yến để trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, ban hành chính thức.
“Sau khi chính thức có văn bản quy định về quản lý nuôi chim yến, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với những cá nhân, cơ sở hoạt động nuôi yến có vi phạm”, ông Pháp nhấn mạnh.