Hôm nay (5/6), TAND TP Hòa Bình tiếp tục phiên xử vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo HĐXX, phiên tòa xét xử diễn ra công khai đúng tinh thần cải cách tư pháp. HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, các chứng cứ buộc tội chưa đầy đủ, nhiều tình tiết mới xuất hiện. Do đó, để không làm oan bỏ lọt tội phạm và chấn chỉnh hoạt động y tế trong việc góp phần đề cao trách nhiệm đội ngũ y bác sĩ, HĐXX kiến nghị: Khởi tố điều tra đối với ông Hoàng Đình Khiếu tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa hệ thống RO2; khởi tố Trần Văn Thắng nguyên trưởng phòng Vật tư Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tội thiếu trách nhiệm.
HĐXX cũng đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm đối với với Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn Giám đốc Công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng có hay không thỏa thuận giữa hai bên về số tiền chạy thận.
HĐXX đề nghị điều tra trách nhiệm với bác sĩ Ninh, Huyền và điều dưỡng Điệp, Hằng, Hậu liên quan đến việc cho chạy lọc thận và đối với Khiếu, Công, Tình về viêc ghi thêm sổ giao ban. Ngoài ra, kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế về việc ra 2 văn bản mâu thuẫn gửi cơ quan điều tra và luật sư về quy trình xét nghiệm AAMI.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm kiểm tra giám sát của Sở Y tế Hòa Bình trong việc chạy thận tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Từ những nhận định và đề nghị ở trên, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND TP Hòa Bình.
Bác sĩ Lương trước giờ HĐXX tuyên án |
Trước đó, ngày 4/6, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo thông tin sơ bộ về phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình lọc máu không phép, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: "Trách nhiệm chính thuộc về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vì nhận chuyển giao kỹ thuật. Tiếp đến trách nhiệm thuộc Sở Y tế Hòa Bình theo sự phân cấp".
Theo diễn biến vụ án, sự cố nghiêm trọng ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra vào tháng 5/2017, khi đó có 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đột ngột có dấu hiệu bất thường. Sau đó, 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về BV Bạch Mai điều trị. Đến ngày 10/2/2018, nạn nhân thứ 9 tử vong.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình và đã tiến hành đã khởi tố vụ án.
Trong ngày xét xử đầu tiên (15/5), các luật sư yêu cầu phải triệu tập ông Trương Quý Dương – nguyên GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình và ông Đỗ Anh Tuấn – GĐ Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, nếu không triệu tập được đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho hoãn phiên tòa. Đề nghị của các luật sư không được chấp nhận, phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong suốt 12 ngày xét xử (từ 15/5 đến 30/5, không tính ngày nghỉ), bị cáo Hoàng Công Lương liên tục khẳng định, chỉ được trưởng khoa phân công xuống Đơn nguyện thận nhân tạo làm bác sĩ điều trị, không có vai trò quản lý. Do đó, bị cáo Lương cho rằng không thể truy tố mình tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc đã nhận lỗi, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Ngày 23/5, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đề nghị: Bị cáo Hoàng Công Lương mức án 30-36 tháng tù treo, Trần Văn Sơn 4-5 năm tù, Bùi Mạnh Quốc 5-6 năm tù.
Đến ngày 29/5, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có 2 tình tiết mới trong vụ án cần làm rõ, đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, các luật sư và đại diện các gia đình bị hại mong tòa tuyên bác sĩ Lương vô tội./.