Trái ngọt Boong Farm

(PLVN) - Từ một quả đồi hoang cằn cỗi, các chàng trai, cô gái dân tộc Tày đã biến nơi hoang sơ thành mô hình trang trại du lịch mang tên “Boong Farm” được nhiều du khách biết đến.
Boong Farm khi mới khai phá

Ý tưởng nông trại du lịch

Đến với huyện vùng cao Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi ở nơi miền núi hoang vu này lại có một địa điểm tham quan mới vừa đơn sơ, mộc mạc nhưng cũng rất hữu tình. Đó là nông trại du lịch của ba thanh niên người dân tộc Tày: Nông Minh Nghĩa, Lương Hiền và Bùi Hoài. 

Nhóm bạn trẻ đều là cử nhân tại các trường Đại học ở Hà Nội, ước mơ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại quê hương đã gắn kết họ với nhau. Năm 2016, chân ướt chân ráo ra trường, họ bắt đầu lên ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp. Nhưng thời điểm đó, cả ba đều không có kinh nghiệm, lại thiếu vốn và các nguồn lực hỗ trợ phát triển, nên mỗi người tản đi phát triển theo hướng riêng. Tháng 5/2019, ba thanh niên quyết định từ bỏ công việc đang làm để trở về Cao Bằng thực hiện ý tưởng mô hình du lịch nông nghiệp.

Nông Minh Nghĩa chia sẻ: “Chúng tôi quyết tâm làm vì thấy vùng đất Cao Bằng rất đẹp nhưng lại có ít người biết đến. Là một người con của quê hương, chúng tôi luôn mong ước làm được điều gì đó - dù là bé nhỏ- để góp sức mình phát triển du lịch địa phương”. 

Quả đồi anh Nghĩa chọn để xây dựng trang trại ở ngay sau nơi anh sinh sống, có một phần diện tích thuộc sở hữu của anh, còn lại thuê của người dân trong vùng. “Đó là một quả đồi hoang, đất đai cằn cỗi, trồng ngô cũng khó, quanh năm chỉ để thả trâu bò…”, anh Nghĩa nói. Quả đồi nằm ở vị trí khá lý tưởng cho mô hình trang trại. Đặc biệt, tại đây có thác nước tuyệt đẹp chảy theo mùa từ tháng 4 đến tháng 10. 

Vì không có vốn, đầu năm 2019, anh Nghĩa mạnh dạn vay ngân hàng, cộng thêm mỗi người trong nhóm góp 5 triệu đồng để triển khai thực hiện mô hình trang trại du lịch mang tên “Boong Farm”. Do ở khá xa khu dân cư nên Boong Farm hoàn toàn không có điện, nước. Ruộng nương bị bỏ hoang lâu ngày nên cỏ, cây dại mọc khắp nơi. “Ngày trước, đây chỉ là con đường cho trâu bò đi lại, rất dốc, mỗi khi trời mưa thì đất, đá sẽ trôi xuống lầy lội, trơn trượt, thậm chí có những khách lên còn bị trượt ngã”, anh Nghĩa kể.

Một khó khăn khác là cả nhóm đều không có kiến thức về nông nghiệp hay du lịch, mỗi bước đi càng chật vật, đòi hỏi phải tìm hiểu rất nhiều kiến thức mới. Ban đầu do trồng cây không đúng quy trình, đất đai lại quá cằn cỗi không đem lại hiệu quả, có lúc mất trắng đến vài triệu đồng tiền hạt giống. Nhiều công việc như quản lý tài chính, phát triển mô hình du lịch, truyền thông thu hút khách tham quan,… cũng khiến nhóm “đau đầu” vì thiếu kinh nghiệm.

Không khuất phục trước thử thách, nhóm bạn hợp sức khai phá quả đồi hoang, tự kéo điện, kéo nước lên đồi, tự rải đá, đổ bê tông làm đường. Họ tự mình cày cuốc, tìm hiểu cách cải tạo ruộng nương xung quanh khu đồi, trồng nhiều loại hoa đẹp, có sức chống chọi tốt với điều kiện đất cằn cỗi, như hoa tam giác mạch, hoa sao nhái, hoa cải vàng,… và một số cây ăn quả phù hợp với khí hậu địa phương. Ông chủ trẻ Nông Minh Nghĩa còn lặn lội xuống Hà Nội tham gia một khoá học về làm du lịch, tham khảo một số mô hình du lịch khác để đúc rút kinh nghiệm.

Một góc Boong Farm hiện tại 

Những trái ngọt đầu tiên

Sau gần hai năm, Boong Farm giờ đây đã khoác lên mình “tấm áo” mới đầy màu sắc. Hiện Boong Farm có 1.000 m2 hoa theo mùa và 2.000 m2 trồng cây ăn quả lâu năm, như mận Bảo Lạc, lê vỏ đỏ, đào,… đều là những giống quả ngon của tỉnh. Dự tính, trong vòng hai năm nữa vườn cây có thể cho thu hoạch quả để phục vụ du khách và bán ra thị trường. Kết hợp với việc trồng hoa, nhóm còn nuôi thêm ong, vụ đầu tiên đã thu về hơn 100 lít mật.

Ngoài ra, nhóm anh Nghĩa còn lên ý tưởng trang trí biến nông trại thành một khu check-in lý tưởng cho giới trẻ. Đặc biệt Boong Farm tận dụng tối đa những vật dụng có sẵn, đồ tái chế để xây dựng và trang trí các điểm check-in. Nhóm cũng đã xây dựng fanpage với tên “Boongfarm - Cao Bằng” nhằm quảng bá tới du khách. Nhóm anh Nghĩa dự định phát triển Boong Farm theo hướng “Farm- Stay” du lịch dã ngoại gắn liền với nông nghiệp, xây dựng những khu lưu trú, thưởng thức nông sản ngay tại vườn.

Mới đầu, mô hình nông trại du lịch còn lạ lẫm với người dân nơi đây, nhưng thấy được hiệu quả mang lại, người dân và chính quyền địa phương đều ủng hộ. “Khu du lịch mở ra đã thu hút nhiều khách du lịch đến địa phương và tạo việc làm cho một số người… Bản thân tôi cũng như người dân và chính quyền địa phương rất ủng hộ những người trẻ có tâm huyết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại quê hương”, ông Nguyễn Duy Tiến - Bí thư Chi bộ tổ Xuân Vinh, thị trấn Xuân Hoà, huyện Hà Quảng cho biết.

Chị Ngân Thị Hoàng Yến, Bí thư Huyện Đoàn Hà Quảng chia sẻ: “Đây là mô hình điển hình của thanh niên huyện Hà Quảng đi đầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tại địa phương. Huyện Đoàn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có những giải pháp hỗ trợ lâu dài trong quá trình triển khai và phát triển. Huyện Đoàn còn giới thiệu trên các kênh thông tin, trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn nhằm góp phần quảng bá những sản phẩm du lịch này đến với nhiều người hơn nữa”. 

Mới đây, nhóm sáng lập Boong Farm đã đạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng thanh niên nông thôn khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cao Bằng năm 2020”. Với ước mơ phát triển mô hình du lịch tại Cao Bằng sánh ngang với Sa Pa, Đà Lạt, con đường phía trước Boong Farm còn nhiều thử thách. Nhưng thành công bước đầu có thể mang lại nhiều hi vọng cho nhóm bạn trẻ sáng lập.

Đọc thêm