Trăm dâu đổ đầu… Chủ tịch huyện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu thực hiện theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, chỉ cần thực hiện quy định xử phạt những người xả rác bậy (mức phạt đến 7 triệu đồng) thì thẩm quyền thuộc về 705 Chủ tịch và 705 Trưởng Công an cấp huyện trên cả nước. Chỉ làm việc ký Quyết định xử phạt, 1.410 cán bộ này đã đủ mỏi tay.
Trăm dâu đổ đầu… Chủ tịch huyện

Dân gian có câu thành ngữ “trăm dâu đổ đầu tằm”, chỉ mọi công việc, trách nhiệm đều đổ dồn vào một người, nhóm người. Nguồn gốc của thành ngữ này xuất phát từ việc cho con tằm ăn lá dâu, tất cả lá dâu đều được đổ lên trên những con tằm nằm trong nong tằm, không cần biết những con tằm đó thế nào, có ăn hết hay không... Trong trường hợp này, có thể nói vui quy định như trên là “trăm dâu đổ đầu… Chủ tịch huyện”.

Nhận ra bất cập trên, Nghị định 55/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được ban hành, thay thế Nghị định 155.

Từ 10/7, nhiều hành vi vi phạm thường gặp sẽ được giảm mức phạt. Người đi tiểu không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt 150-250 ngàn thay vì 1-3 triệu đồng; người vứt mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 100-150 ngàn (mức hiện hành từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng). Người vứt rác thải, nước sinh hoạt không đúng nơi quy định tại chung cư hoặc nơi công cộng bị phạt 500 ngàn đến 1 triệu đồng (hiện hành 3-5 triệu đồng).

Về thẩm quyền xử phạt, chiến sỹ công an (CA) đang làm nhiệm vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500 ngàn đồng; trạm trưởng, đội trưởng có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1,5 triệu. Trưởng CA cấp xã phạt đến 2,5 triệu đồng. Trưởng CA cấp huyện, trưởng phòng CA cấp tỉnh phạt đến 25 triệu. Giám đốc CA cấp tỉnh được phạt tiền đến 50 triệu đồng. Cục trưởng được phạt đến 1 tỷ đồng.

Lý giải việc giảm mức phạt, một lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Nghị định 155 đưa ra mức phạt cao để răn đe, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng. Tuy nhiên, việc thực hiện đã gặp nhiều khó khăn khi mức phạt cao, không phù hợp với đông đảo người dân. Hơn nữa, mức tiền cao sẽ tương ứng với thẩm quyền xử lý nên kéo theo nhiều trình tự, thủ tục phức tạp. Ví dụ, hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố thẩm quyền xử phạt phải từ trưởng CA cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Khi áp dụng, việc này khó khăn.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP vì thế được sửa đổi theo hướng giảm mức tiền phạt để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của trưởng CA cấp xã, trưởng đồn. Vì giảm mức phạt nên các hành vi vứt đầu, tàn thuốc lá, vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định... có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Việc này sẽ đảm bảo tính khả thi với số đông người dân và đơn giản hóa trình tự xử phạt bằng hình thức phạt tại chỗ.

Rất may mắn là cán bộ chức năng đã nhìn ra sự bất hợp lý nêu trên để đề xuất cấp có thẩm quyền ra quy định mới sửa đổi kịp thời. Một trong những mục đích quan trọng nhất của phạt hành chính là răn đe người vi phạm, chứ không phải phạt bằng mọi giá, phạt để lấy tiền. Vì vậy, đây cũng là bài học để cán bộ chức năng nhớ lại mỗi khi soạn thảo các quy định, tránh để tình trạng ra quy định bất hợp lý, chỉ nằm trên giấy chứ khó đi vào thực tiễn.

Đọc thêm