Nhưng chưa kịp mừng vì được mùa, người trồng tỏi đang lo lắng bởi sức mua giảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều oái ăm hơn, tỏi bây giờ không chỉ từ Lý Sơn vào đất liền, mà còn len lỏi ngược trở ra lại đảo khiến thương hiệu trở nên lẫn lộn. Đây cũng là lý do để chính quyền mạnh tay hơn với những kẻ “đội lốt” tỏi Lý Sơn…
Buồn vui tỏi vào, tỏi ra!
Về Lý Sơn những ngày đầu tháng 3, đi đâu cũng thấy tỏi. Tỏi phơi trắng cả cánh đồng, lối đi; gió từ biển thổi vào cũng quyện vị tỏi cùng thoang thoảng mùi của san hô. Mới đầu, nhiều người chưa quen sẽ có chút khó chịu, nhưng chỉ 1 lúc thôi lại thích thú hít hà cái hương đặc trưng của hải đảo.
Đồng tỏi ở Lý Sơn nằm dọc dài ven biển nối liền xã An Vĩnh, An Hải, đan xen lẫn bãi bồi, đình làng, miếu thờ hàng trăm năm của cư dân, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.
Từ tinh mơ, bà Trương Thị Sự (thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn) cùng nhiều chị em khác đã mướt mồ hôi gom tỏi chất lại từng đống cao. Trên bờ, những người đàn ông tiếp tay mang bó tỏi chất lên xe đưa về. Bà Sự cho biết, vào cuối tháng 2 đến tháng 3 hằng năm, bà con nông dân đảo Lý Sơn bước vào vụ thu hoạch.
“Vụ tỏi đông xuân 2019-2020, gia đình tôi đầu tư hơn 90 triệu đồng để sản xuất 5 sào, cho về năng suất khoảng 2 tấn tỏi tươi. Năm nay được mùa lớn, nhiều gia đình chọn hình thức đổi công với bạn nông, để có người phụ giúp cho nhanh việc. Nghề trồng tỏi gắn bó với gia đình bà Sự nhiều đời. Mỗi năm vài vụ, tỏi từng bước nâng kinh tế gia đình lên.
Theo bà Sự, đảo Lý Sơn được kiến tạo bởi địa chất phun trào nham thạch núi lửa cách ngày nay 25 đến 30 triệu năm. Những vách đá trầm tích, nghĩa địa san hô hóa thạch dọc ven biển trở thành chứng tích của biến thiên đất trời. Trải qua triệu năm đã tạo nên một Lý Sơn kỳ thú, bí ẩn. Núi lửa cùng sự bồi đắp của cát biển thu hút tinh hoa thổ nhưỡng, khí chất dường như đặc ân của đất trời giữa biển khơi dành cho người dân đất đảo.
Và tỏi Lý Sơn được trồng từ đất lấy ở chân núi lửa và cát biển trắng mịn lẫn san hô, nên dường như cũng đặc biệt, tinh túy hơn. Tỏi trắng, nhiều tinh chất, mùi thơm cay nồng chất biển gắn liền với giá trị dinh dưỡng tạo sức hút riêng. Trong tâm thức của người xứ đảo, dấu tích huyền sử của vùng đất Hùng binh Hoàng Sa cùng đền đình, miếu mạo, giúp tỏi Lý Sơn định vị giá trị trong tâm tưởng nhiều người.
“Thương hiệu” là vậy, nên mấy mươi năm trước, chúng tôi chỉ lo mùa vụ, sâu bọ, thời tiết xem có thất bát không. Nhưng thời gian gần đây, bà con còn lo thêm cái nạn tỏi giả mạo”, bà Sự chia sẻ.
3 đời nối nhau mưu sinh trên cánh đồng tỏi thôn An Vĩnh, bà Lê Thị Hạnh chua chát tiếp lời, ngày xưa chỉ có người trong đất liền ra đây mua tỏi về bán lại. Tỏi Lý Sơn chỉ có một chiều đi. Còn bây giờ tỏi đảo chiều, đi về hai ba bận. Lý do dễ thấy là giá tỏi thường chỉ 30.000 đến 35.000 đồng mỗi ký, tỏi Lý Sơn có giá gấp nhiều lần, từ 90.000 đến 120.000 đồng.
Bà Hạnh kể, thực tế du khách ra đảo chơi đều muốn mua ít tỏi mang về làm quà. Có điều, mới nhìn ít ai có thể biết tỏi Lý Sơn “chính gốc” hay tỏi giả mạo. Khách lân la hỏi mua, may gặp người tốt, họ bán đúng hàng, còn không cũng chịu.
Chính điều này làm giảm đi rất nhiều uy tín của 1 thương hiệu tỏi và bà con làm nghề ở Lý Sơn. “Chủ yếu dân buôn thôi. Họ vì lợi nhuận lớn nên trộn tỏi, giả mạo tỏi Lý Sơn, chứ người nhà quê không làm thế vì mất cái tình xứ này”, bà Hạnh phân bua.
Nỗ lực “cứu” thương hiệu
Vừa trồng tỏi, vừa giữ đình làng An Hải hơn 20 năm, ông Dương Nghĩa, Phó ban khánh tiết đình làng tự hào, tỏi ở đây như máu huyết, gắn bó bao đời cùng cư dân xứ này. Tuy nhiên, chứng kiến những đổi thay của xứ đảo, ông không khỏi choáng ngợp và thừa nhận trước làn sóng “di cư” của kinh tế, văn hóa đất liền.
Đất đảo hẹp, mỗi năm, nông dân Lý Sơn chỉ sản xuất hơn 2.000 tấn tỏi. Tỏi không tăng nhưng du khách mỗi năm một nhiều. Hàng trăm nghìn lượt khách ra đảo mỗi năm cùng thị trường mở rộng, tỏi Lý Sơn không đủ để cung ứng cho người tiêu dùng. Nhu cầu cao, thương lái mượn thương hiệu tỏi Lý Sơn để kiếm lời, thỏa mãn cơn “khát tỏi” cho du khách.
Ông Nghĩa tiết lộ: “Bằng nhiều cách, trước khi chưa có sự kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền, hàng chục tấn tỏi được thương lái đưa xuống cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Hai năm gần đây, khi ngành chức năng mạnh tay hơn, không cho tỏi xuất bến tàu, tỏi đất liền ra đảo bằng ghe, ngụy trang lẫn trong hàng hóa khác. Sau khi “ẩn cư” vài ngày, tỏi đất liền mang danh tỏi Lý Sơn và được đưa vào bờ để ngã giá cao hơn. Sống ở “vương quốc tỏi”, người dân đất đảo còn gánh thêm nỗi lo tỏi giả mạo là vậy”.
Để đối phó nạn tỏi giả mạo, bà con đất đảo thời gian bắt đầu tìm cách để giữ uy tín cho mình. Ở nhiều quầy hàng, tỏi Lý Sơn, Ninh Hòa, tỏi bắc được ghi rõ ràng, trưng bày cho du khách tham quan. Đơn cử như cửa hàng bán đặc sản chị Nguyễn Thị Thu, người bán giới thiệu tất cả các loại tỏi, giá thành, hướng dẫn cách phân biệt tỏi Lý Sơn. Quyền lựa chọn thuộc về người mua.
Chị Thu cho rằng, chỉ có thương buôn mới mang tỏi giả, trộn tỏi để kiếm lời. Vì chi phí đưa tỏi từ đất liền ra đảo rồi vô lại bờ khá cao, phải buôn số nhiều, mới lời được. Với diện tích trồng tỏi nhỏ lẻ, dân xứ đảo làm vậy sẽ lỗ.
“Lúc trước, mình cũng khá bức xúc vì tỏi giả, tỏi trộn để lừa du khách. Trong “cái khó ló cái khôn”, các tiểu thương bán hàng chỉ nhau, cứ mang hai loại ra, chỉ rõ cho khách tỏi Lý Sơn, tỏi đất liền, thật thà phơi bày. Dĩ nhiên khách chọn tỏi Lý Sơn. Mình làm vậy để họ vừa biết gốc gác và cũng không so sánh giá cả rẻ mắc gì nữa”, chị Thu nói.
Về phía chính quyền, lo ngại thương hiệu bị mất giá, từ năm 2019, địa phương thực hiện nhiều cách để ngăn chặn. Từ việc UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, vận động ngư dân không tiếp tay… đến thành lập tổ kiểm tra (ra đời năm 2019) để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các tiểu thương buôn bán tỏi phải đúng nguồn gốc, nhằm bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Thế nhưng, khi người trồng vẫn phải tự lo tiêu thụ nông sản mình làm ra, việc ngăn chặn dường như không thể. “Các trường hợp phát hiện đều buôn số lượng lớn. Nhiều người bảo quyền buôn bán vận chuyển không ai cấm được. Nhưng nếu mình không quyết liệt cứ để tỏi đi ra đảo, khó giữ được thương hiệu tỏi Lý Sơn. Không thể mang một sản phẩm khác rồi gắn tên lên để kiếm lời”, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin. Ngoài ra, cũng lời ông Việt, huyện đang cố gắng hoàn thành chỉ dẫn địa lý tỏi để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Về vấn đề này với ông Đặng Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, vụ tỏi đông xuân 2019-2020, toàn huyện trồng được hơn 320ha; theo đánh giá sơ bộ vụ tỏi năm nay năng suất đạt 85 tạ/ha.
Ngoài nỗ lực không để tỏi giả lẫn lộn, huyện cũng đang xây dựng đề án, sắp tới triển khai liên kết với các doanh nghiệp, nhằm bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá cao, để bà con yên tâm sản xuất.