Tranh cãi việc thu học phí online sau mùa dịch tại VFIS: Làm gì để hai bên tìm được tiếng nói chung?

(PLVN) - Sau hàng loạt vụ kiện cáo về việc trường học thu phí học online như thế nào trong mùa dịch, mới đây một số phụ huynh (PH) Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), trực thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP HCM đã có “đơn kêu cứu khẩn cấp về chất lượng dạy học và học phí online” gửi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thông qua báo chí. 
Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan

Phụ huynh đòi thỏa thuận lại mức học phí

Đơn cho rằng trong thời gian học sinh (HS) nghỉ vì dịch Covid-19, trường đã tổ chức học online, có tương tác giữa giáo viên (GV) và HS. Tuy nhiên, không phải tất cả môn đều được dạy và thời gian dạy chỉ khoảng 20 phút/ tiết. Trong khi đó, PH đã đóng học phí để con được hưởng giáo dục 40 giờ/tuần và nhiều tiện ích, cơ sở vật chất tại trường. Nhưng khi học online, trẻ chỉ được học khoảng 1,5-3 giờ/tuần. Với thời lượng như vậy, PH lo lắng con mình không được truyền đạt đầy đủ kiến thức.

“Là người học cùng con, tôi thấy chất lượng học online không cao qua cách con tiếp thu, làm bài. Tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này nhưng trường không có hình thức kiểm tra, đánh giá”, một PH nói. 

Một số PH đề nghị trường xem xét vấn đề dạy bù cho HS. Sau đó, trường thông báo sẽ kéo dài năm học thêm 2 tuần so với lịch ban đầu để bù đắp kiến thức thiếu hụt trong quá trình học online. 

Tuy nhiên, PH cho rằng 2 tuần là quá ít để bù đắp lượng kiến thức cho cả 3 tháng nghỉ dịch. Nhóm PH đề nghị thời gian dạy bù ít nhất phải bằng 2/3 thời gian học sinh nghỉ. 

Sau đó, trường ra thông báo sẽ miễn phí khóa hè 3 tuần dành cho các HS hiện tại của trường. Một số PH đặt câu hỏi tại sao VFIS không dạy bù thêm 3 tuần nữa, trong khi trường có đủ nguồn lực để mở khóa hè? Phải chăng trường muốn mở khóa hè để thu tiền từ HS bên ngoài mà không muốn dạy bù?

PH đặt vấn đề nếu trường không tổ chức dạy bù “một cách thỏa đáng”, thì phải xác định mức học phí dạy online, trừ vào khoản học phí đã nộp từ đầu năm, còn lại phải hoàn trả.  

Một PH khác cho rằng trường và PH đã ký kết hợp đồng, khi điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi, tức là chuyển từ dạy trực tiếp sang online, lẽ ra, trường phải thỏa thuận lại với PH về học phí. “Nếu trường minh bạch và tử tế thì nên thông báo từ đầu là dạy online sẽ thu học phí và cần thời gian để xác định mức thu”, PH này nói.

VFIS: Dạy online, GV phải làm việc gấp đôi, gấp ba 

Những yêu cầu của PH đưa ra rất chính đáng, tuy nhiên về phía trường, cũng có những quan điểm, giãi bày chính đáng không kém. 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu phó VFIS giãi bày VFIS mới tuyển sinh năm nay nên có 205 học sinh và chỉ là HS cấp 1. 

Theo bà Huyền, nói thời gian tương tác giữa HS-GV chỉ 20 phút là không đúng. “Đó là tối thiểu, tùy theo trình độ tiếp thu của HS mà GV có thể kéo dài 25 phút đến 60 phút. Ngoài lịch học cố định, GV và trợ giảng phải hỗ trợ từng HS, có mặt trên mạng liên tục, phải hỗ trợ HS, PH khi được gọi. Có GV 12h đêm, 5h sáng đã phải làm việc. Có PH không quen với việc online thì trường in bài tập, bài giảng phát cho PH”, bà Huyền giải thích.

“GV phải làm việc gấp đôi, gấp ba việc dạy trực tiếp. Để có một video bài giảng cần đầu tư thời gian, công sức rất lớn, phải quay nhiều lần, nhưng học sinh có thể sử dụng tài nguyên online này nhiều lần, trong thời gian không giới hạn. Chúng tôi huy động nguồn lực để phục vụ nhu cầu khác nhau của mỗi HS. Có thể có người nói đó là chuyện của trường nhưng chi phí mà PH đóng, không phải để trường hưởng mà để phục vụ ngược lại cho HS, PH trong thời gian dịch bệnh”, bà Huyền cho hay.

Vì sao trường không đồng ý áp dụng học bù 9 tuần như PH kiến nghị? Bà Huyền lý giải: “Nhiều HS và tất cả GV, trợ giảng làm việc liên tục từ 4/2 cho đến 26/6 nên cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sự sáng tạo, năng lượng, ý tưởng. Nếu học bù 9 tuần thì năm học sẽ kết thúc giữa tháng 8. Trong khi đó kế hoạch của trường bắt đầu năm học mới vào 17/8, là không có nghỉ hè, VFIS không có thời gian thực hiện khóa phát triển chuyên môn bắt buộc cho một số giáo viên.

Kỳ nghỉ hè rất quan trọng cho HS, tạo ra khoảng không nghỉ ngơi giữa hai năm học và tạo cảm hứng cho năm học mới. Mùa hè không phải là thời gian tối ưu để trẻ học trong thời tiết nóng nực, nặng nề về bài vở, kiểm tra, đánh giá. Khoá hè 3 tuần của nhà trường đã buộc phải thiết kế theo hướng tăng học thuật, liên kết với chương trình học kỳ 2, nhưng giảm phần kiểm tra, đánh giá”.

Trường mong muốn mâu thuẫn sớm được thảo luận, bàn cách xử lý

Bà Huyền bày tỏ sự buồn rầu khi nói về việc có ý kiến cho rằng HS học online thì trường sẽ “lợi” rất nhiều khoản phí, về việc có ý kiến “nếu trường tử tế”.

“Thứ nhất, trường không cho bất cứ nhân viên nào nghỉ, mà được hưởng nguyên lương. Vì từ tháng 2 đến nay, thông báo nghỉ học, giãn cách đều bất ngờ, tất cả đều bị động; dù lúc nào trường cũng trong tâm thế sẵn sàng đón HS quay lại, từ GV, nhân viên bảo vệ, lao công đều phải làm việc như bình thường.

Thứ hai, chi phí điện nước không đáng bao nhiêu. Chi phí mà PH nộp học phí chủ yếu đầu tư vào yếu tố con người và trang thiết bị, nguồn tài nguyên phục vụ HS. VFIS hiểu PH đóng tiền cơ sở vật chất thì muốn HS hưởng cơ sở vật chất đó. Trường cũng vậy, muốn HS đến trường để thuận lợi cho công việc. Chuyện buộc phải học online là điều bất khả kháng, không ai mong muốn”. Chính vì vậy, bà Huyền cho biết tha thiết mong muốn mâu thuẫn sớm được thảo luận, bàn cách xử lý.

Về phía trường, đưa ra phương án dự kiến năm học sẽ kết thúc vào ngày 26/6. VFIS sẽ không thu phí 2 tuần dạy bù, miễn phí khóa học hè 3 tuần bằng chương trình 100% tiếng Anh. Miễn phí tiền ăn, tiền đưa rước từ khi nghỉ học đến hết 26/6. Năm học sau sẽ giảm 5-7% học phí. Ngoài ra, việc củng cố kiến thức cho HS không chỉ diễn trong năm nay, nên năm học mới sẽ có điều chỉnh nội dung học trong những tuần đầu để vừa bổ sung kiến thức, vừa có kiến thức mới. 

“Nhà trường không đặt ra bài toán kinh tế trong việc xử lý hậu quả của Covid-19, các giải pháp đều dưới góc nhìn lợi ích của học sinh”, bà Huyền nói.

Việc tranh cãi giữa PH và nhà trường có ảnh hưởng đến HS hay không? Bà Huyền khẳng định: “Trường sẽ không bao giờ có những hành động nào ảnh hưởng đến tâm lý HS. Chúng tôi luôn chọn giải pháp ôn hòa, thiện chí. Trong cuộc họp, hiệu trưởng cũng mong muốn chuyện giữa người lớn thì đừng nên làm ảnh hưởng đến HS. PH cũng nói sẽ cư xử một cách chuyên nghiệp để không ảnh hưởng đến con em họ. Trường kỳ vọng các bên thực hiện điều đó. Và bất cứ HS nào đến đây, chúng tôi đều chào đón như nhau, không phân biệt”.

Đánh giá về sự việc, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) nói: “Chính phủ đã có văn bản, nói rõ các đơn vị giáo dục công lập hay tư thục cũng phải xác định lại học phí, thời gian học. Xác định như thế nào thì tùy địa phương, tùy cách quản lý mà Sở GD&ĐT phải có đề xuất kiến nghị để Bộ GD&ĐT đưa ra phương án cụ thể, áp dụng toàn hệ thống. Sự việc này càng chứng tỏ mức độ “nóng” của vấn đề. Bộ GD&ĐT cần ra văn bản hướng dẫn chi tiết ngay, để PH tránh bức xúc hiểu nhầm, để GV khỏi phải rơi nước mắt vì bị đặt vấn đề “tử tế hay không”.

Trước ý kiến cho rằng VFIS đã không hỏi ý kiến PH về học phí online trước khi tổ chức dạy và có những ứng xử không phù hợp, bà Huyền phân trần: “VFIS là trường đầu tiên dạy online khi xuất hiện dịch bệnh. VFIS dạy online từ ngày 4/2, sau kỳ nghỉ Tết 1 ngày, chưa có hướng dẫn, yêu cầu của Bộ GD&ĐT vì chúng tôi là trường quốc tế, luôn có kế hoạch năm học riêng. Chúng ta không biết trước được dịch bệnh và không nghĩ sẽ đóng cửa hơn 3 tháng. VFIS rất bị động nhưng xác định việc quan trọng nhất lúc đó tìm mọi cách để HS duy trì việc học.

Đích thân tôi đã cố gắng trả lời thư riêng cho các PH để trao đổi trước khi việc phản ứng học phí xảy ra. Trong email, tôi luôn dành sự tôn trọng, cầu thị và lắng nghe chứ không hề có chuyện từ chối đối thoại. Có chăng là có những điều nhà trường tiếp thu để điều chỉnh như giảm lượng bài, tăng sự hỗ trợ cá nhân học sinh, nhưng có những quyết định dựa trên khoa học sư phạm thì nhà trường bảo lưu”.

Đọc thêm