Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất tại Hải Dương: Bị đơn bị “đánh úp” do xuất hiện địa chỉ xa lạ?

(PLO) - Xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đòi tài sản, TAND TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã ủy thác cho TAND quận Gò Vấp, TP. HCM niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi ở của bị đơn. Tuy nhiên, theo bị đơn thì họ đã không được Tòa án cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo đúng quy định và địa chỉ ghi tại bản án thì hoàn toàn lạ lẫm.  
Tháng 6/2018, khi sửa nhà cho con thì bà Điểu mới biết phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra từ tháng 9/2017
Tháng 6/2018, khi sửa nhà cho con thì bà Điểu mới biết phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra từ tháng 9/2017

Tòa xử xong mới biết mình bị kiện

Tranh chấp trong việc chuyển nhượng nhà đất tại thôn Nhân Nghĩa, xã Nam Đồng, TP Hải Dương giữa bà Nguyễn Thị Gái và bà Nguyễn Thị Điểu (tức Đỗ Thị Lơ) xuất phát từ năm 2004. Theo nguyên đơn (bà Gái) thì vào năm 1995, bà đã mua nhà đất nêu trên của bà Điểu (bằng giấy viết tay). Đến cuối năm 2003, anh Nguyễn Văn Tuyến (con bà Điểu) đã mượn lại nhà đất để ở tạm. Sau đó, anh trai anh Tuyến (anh Nguyễn Mạnh Tuyển) đã làm thủ tục cấp Sổ đỏ đứng tên mình và chuyển nhượng một phần đất cho bà Hoàng Thị Bé. Trong quá trình sử dung, gia đình bà Điểu đã tiến hành xây tường bao ngõ đi trên đất.

Bà Gái đã từng khởi kiện bà Điểu, rồi anh Tuyến ra Tòa để đòi đất nhưng cả hai vụ án này đều đã được đình chỉ giải quyết với lý do nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Đến năm 2015, bà Gái khởi kiện lại đối với bà Điểu, đề nghị Tòa xem xét giải quyết việc chuyển nhượng nhà đất, nếu đủ điều kiện thì công nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với bà Điểu (Lơ) năm 1995 và đề nghị anh Tuyến phải trả lại nhà đất cho mình. Nếu hợp đồng vô hiệu thì đề nghị Tòa giải quyết hậu quả.

Trong khi đó, tại các vụ kiện trước đây, bà Điểu  đều không đồng ý trả nhà đất vì cho rằng mình đã “chuộc lại” nhà đất từ bà Gái vào năm 2002 với giá 35 triệu đồng. Đáng nói hơn, việc năm 2015, TAND tỉnh Hải Dương thụ lý vụ án và mở phiên tòa vào tháng 9/2017 thì gia đình bà hoàn toàn không biết vì không được Tòa tống đạt các văn bản tố tụng. Gia đình bà Điểu chỉ biết được vụ kiện mới này khi Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương xuống hiện trường làm việc.

Ngay sau đó, bà Điểu cùng các con đã có đơn kháng cáo quá hạn, đề nghị TAND tỉnh Hải Dương xem xét.

Chưa tống đạt văn bản tố tụng, đã tiến hành niêm yết?

Theo bản án sơ thẩm số 13/2017/DS-ST của TAND TP Hải Dương thì bà Điểu (bị đơn), anh Tuyến, anh Tuyển, bà Bé (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đều vắng mặt tại phiên tòa. Còn trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, “TAND TP Hải Dương đã ủy thác cho TAND quận Gò Vấp niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi ở và UBND phường, nơi bà Điểu cư trú để thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ, trong đó triệu tập bà Điểu, anh Tuyển đến Tòa để ghi lời khai, hòa giải, định giá tài sản, tham gia phiên tòa nhưng bà Điểu và anh Tuyển không đến Tòa để trình bày, không có văn bản gửi cho Tòa ý kiến phản đối, hay phản tố đối với việc chuyển nhượng nhà đất ngày 11/9/1995”

Với diễn biến trên, một số LS cho rằng Tòa án đã thực hiện thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng không đúng quy định. Cụ thể, Điều 179 BLTTDS 2015 quy định rõ, “việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này”. Như vậy, TAND TP Hải Dương đã vội vàng thực hiện thủ tục “niêm yết” các văn bản tố tụng mà chưa hề tiến hành thủ tục cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho bà Điểu (Lơ) theo quy định.

Hơn nữa, giả sử có việc “ủy thác” niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi ở của bà Điểu thì hiện có nhiều chứng cứ cho thấy, việc niêm yết này đang bị sai địa chỉ: Theo bản án thì bà Điểu và anh Tuyển có HKTT tại số 334/201/11A đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM. Tuy nhiên, theo chứng cứ mà bà Điểu (Lơ) gửi kèm đơn kháng cáo quá hạn thì từ trước đến nay, bà đều có hộ khẩu thường trú tại xã Nam Đồng, TP Hải Dương chứ không hề “cắt khẩu” vào TP.HCM. Trong khi đó, sổ tạm trú thể hiện bà Lơ có địa chỉ tạm trú tại 80/12/94 Dương Quảng Hàm, Phường 5, quận Gò Vấp.  Còn Sổ hộ khẩu của anh Tuyến thể hiện anh này có nơi thường trú tại 332/201/23 đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp. Như vậy, địa chỉ  của bà Điểu, anh Tuyển nêu trong bản án hoàn toàn xa lạ với các chứng cứ, tài liệu trên. Không hiểu Tòa đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng như thế nào?

Được biết, sau khi có đơn kháng cáo quá hạn gửi đến TAND tỉnh Hải Dương mà không nhận được hồi âm (về việc có chấp nhận hay không) bà Điểu đã có đơn đến TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thi hành bản án như thế nào?

Theo bản án sơ thẩm, thì bà Gái khởi kiện, đề nghị Tòa thấy đủ điều kiện thì công nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất năm 1995 và đề nghị anh Tuyến phải trả lại đất cho bà. Còn nếu hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì đề nghị Tòa giải quyết hậu quả .

Một số Luật sư cho rằng, nội dung khởi kiện nêu trên là không rõ ràng và mang tính chất “nước đôi” (trường hợp hợp đồng có hiệu lực và hợp đồng vô hiệu). Hơn nữa, với việc bà Gái có yêu cầu anh Tuyến trả lại đất và bản án có nội dung tuyên buộc anh Tuyến phải trả lại đất thì có thể hiểu, anh Tuyến là bị đơn chứ không thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Tòa đã xác định.

Năm 2007, khi được đứng tên trong Sổ đỏ, anh Tuyến đã chuyển nhượng cho bà Bé 91 m2 đất. Hiện tại, chưa có ý kiến của anh Tuyến về quan hệ mua bán trên. Cũng chưa có bản án nào hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh Tuyến và bà Bé. Hơn nữa, trên đất hiện có tường bao và chuối của bà Bé nên bà này phải được coi là người đang sử dụng 91 m2 đất trên. Tuy nhiên, Tòa án vẫn tuyên buộc anh Tuyến phải trả toàn bộ thửa đất có diện tích 537,2 m2 đất (trong đó có 91 m2 đã bán cho bà Bé- PV) cho bà Gái là không khả thi vì anh Tuyến không thể có đủ 537,2 m2 đất . Trong khi đó, Tòa cũng không hề có phán quyết về việc buộc bà Bé phải giao 91m2 đất đang sử dụng cho nguyên đơn.

Đọc thêm