Lùm xùm khu đất gia tộc vướng lộ giới
Trong đơn phản ánh đến Báo PLVN, ông Cao Văn Tuấn (ngụ quận 8) trình bày, ông ngoại ông có phần đất gần 900m2 ở ấp Đình, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Trên phần đất này có căn nhà được xây dựng từ năm 1957.
Năm 1967, ông ngoại ông Tuấn mất, để lại phần đất trên cho ba người con gái sử dụng trong đó có một người con là bà Cao Thị Miên. Thời gian sau, khi cả ba chị em sang Pháp định cư, bà Miên đã làm thủ tục ủy quyền cho ông Trần Quang Phú (ông Phú là con cùng mẹ, khác cha với ông Tuấn) quản lý, sử dụng (không được sang bán, chuyển dịch) phần đất nói trên.
Năm 2001, một người em trai ông Phú tranh chấp phần đất này. Vụ việc được UBND huyện Củ Chi giải quyết vào năm 2004, với nội dung “Công nhận phần đất nêu trên cho ông Phú sử dụng”.
Em ông Phú tiếp tục khiếu nại lên UBND TP HCM. Năm 2006, Chủ tịch UBND thành phố có Quyết định số 2770, không công nhận quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Quyết định còn bác nội dung khiếu nại của em ông Phú, buộc giữ nguyên hiện trạng quản lý sử dụng tài sản theo giấy ủy quyền của bà Miên cho ông Phú.
Đến năm 2013, UBND thành phố tiếp tục ra Quyết định số 850, sửa đổi, bổ sung Quyết định 2770, công nhận phần diện tích 343m2 không thuộc lộ giới Quốc lộ 22 cho ông Phú. Với phần đất 550m2 còn lại, thuộc lộ giới Quốc lộ 22 thì cho ông Phú tạm sử dụng. Riêng với căn nhà được xây dựng từ năm 1957 phải giữ nguyên hiện trạng.
Được xây dựng khi đang tranh chấp?
Năm 2017, ông Phú đã xin phép xây dựng nhà trên phần đất 343m2 để cho ngân hàng thuê. Thấy vậy, ông Tuấn khiếu nại nhưng bị UBND huyện Củ Chi bác. UBND huyện Củ Chi cho rằng, căn cứ vào Quyết định 850 của UBND thành phố, đã công nhận phần đất không thuộc lộ giới (trong đó có 300m2 đất thổ cư) cho ông Phú. Do đó, khi ông Phú xin phép thì UBND huyện cấp.
Bên cạnh đó, cho rằng UBND thành phố ra Quyết định số 850 là không đúng thẩm quyền nên tháng 3/2018, ông Tuấn (là một trong những người thừa kế) đã làm đơn khởi kiện.
Trong lúc ông Tuấn khởi kiện vụ án thì tháng 9/2018, phía ngân hàng đã có văn bản xin phép UBND huyện Củ Chi cho phép xây dựng bảng hiệu và trạm ATM trên phần đất thuộc lộ giới quốc lộ 22 và được UBND huyện Củ Chi chấp thuận.
Ông Tuấn phản ứng gay gắt, làm đơn khiếu nại. “Đất đang tranh chấp, các quyết định của UBND thành phố cũng buộc giữ nguyên hiện trạng, chỉ cho ông Phú sử dụng tạm thời phần đất thuộc lộ giới quốc lộ 22. Vậy vì lý do gì mà UBND huyện Củ Chi lại cấp phép cho ông Phú cũng như ngân hàng xây dựng hết công trình này đến công trình khác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người liên quan?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Cuối tháng 12/2018, UBND huyện Củ Chi có văn bản giải quyết đơn của ông Tuấn. UBND huyện Củ Chi nhận định, những phản ánh của ông Tuấn là không có cơ sở vì việc xây dựng tòa nhà cho ngân hàng thuê đã được ông Phú xin phép và được UBND huyện cấp phép từ tháng 9/2017 bởi đây là đất thổ cư, không nằm trong quy hoạch lộ giới quốc lộ 22.
Riêng việc xây dựng trạm ATM và bảng hiệu dù nằm trong quy hoạch lộ giới quốc lộ 22 nhưng xét thấy các công trình này có kết cấu tạm, bán kiên cố nên huyện đã chấp thuận để phục vụ nhu cầu của người dân.
Đồng thời UBND huyện Củ Chi cũng đề nghị phía ngân hàng liên hệ với UBND xã Tân Phú Trung để lập Giấy cam kết tự tháo dỡ mà không được bồi thường khi Nhà nước có yêu cầu để thực hiện quy hoạch. Phía ông Tuấn cho hay hiện cũng đang tiến hành khiếu nại quyết định giải quyết này của UBND huyện Củ Chi.
Để rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan của huyện Củ Chi cũng như xã Tân Phú Trung, nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời chính thức. Một cán bộ xã Tân Phú Trung cho biết, do quy hoạch dự kiến mở rộng quốc lộ 22 đã có từ rất lâu, nhưng chưa biết đến bao giờ mới thực hiện nên dọc hai bên tuyến đường này người dân rất thiệt thòi.
Để tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, chính quyền địa phương cũng cố gắng tháo gỡ phần nào khó khăn, giúp cho người dân tạm thời sử dụng. Tuy nhiên, người dân phải cam kết tự nguyện tháo dỡ, không được bồi thường khi Nhà nước thực hiện dự án.
Quanh sự kiện trên, các luật sư cho rằng, việc tạo điều kiện cho người dân trong các dự án “treo” là tốt, nhưng với điều kiện không có tranh chấp, khiếu kiện và đáp ứng đầy đủ các quy định khác về đất đai, xây dựng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, UBND huyện Củ Chi cho phép cho ông Phú và ngân hàng xây dựng tạm các công trình trong khi đất đang được thành phố yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, đang có khiếu kiện là chưa phù hợp.
Báo PLVN sẽ thông tin khi có diễn biến mới