Xác định tranh chấp
Ông Trần Hoàng T. - đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM thắc mắc rằng, cổ đông là tổ chức sở hữu 76%, tôi sở hữu 20%, một cá nhân khác sở hữu 4% vốn điều lệ của công ty CP. Tôi với tư cách thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) nhiều lần yêu cầu Tổng giám đốc cung cấp báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động kinh doanh nhưng không được đáp ứng.
70% sản phẩm của công ty được bán cho cổ đông là tổ chức với giá thấp hơn 15% so với sản phẩm cùng loại mà không được HĐQT hay đại hội đồng cổ đông thông qua. Khi tôi có ý kiến thì Chủ tịch HĐQT (đại diện cổ đông là tổ chức) cho biết sẽ miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT của tôi.
Rồi đến chuyện, một công ty có vốn đầu tư của Thụy Sỹ (A) ký hợp đồng thuê một doanh nghiệp tư nhân (B) sửa chữa cửa hàng trưng bày đồ gốm ở Quận 1, TP.HCM. Việc sửa chữa không đạt yêu cầu nên bên A. đề nghị sửa lại, nhưng B. không chịu, nên A. đã thuê Công ty C. tiến hành sửa chữa.
Khi B. yêu cầu A. thanh toán tiền thì bị trừ 5.000 Đôla Mỹ (số tiền mà A. đã thanh toán cho C.). B. kiện A. ra tòa nhưng nhận thấy tình thế bất lợi nên đã thuê “giang hồ” hù dọa A. Cuối cùng, vì sợ, A. phải trả cho B. một nửa số tiền là 2.500 Đôla Mỹ…
Có thể nói, khi có tranh chấp xảy ra, không ít doanh nghiệp chọn cách giải quyết theo kiểu “bất cần pháp luật”. Như trong vụ tranh chấp ở khách sạn A., khi đề xuất thay Tổng giám đốc của mình không được chấp thuận, phía doanh nghiệp nước ngoài đã đưa người của mình sang. Đồng thời thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để chiếm giữ bất hợp pháp phòng làm việc của ông Tổng giám đốc liên doanh, nhằm cách chức ông này bằng vũ lực.
Nhưng họ đã không thực hiện được ý định của mình vì hành động sai trái đó đã bị lực lượng công an địa phương vào cuộc xử lý.
Hay như trường hợp Công ty Đ.-Sài Gòn, khi tranh chấp xảy ra, ông phó Chủ tịch HĐQT đã kéo người nhà và thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp đến chiếm giữ một số phòng ban của công ty.
Xét về mặt hiệu quả, giải quyết tranh chấp theo kiểu “tự xử” như vụ khách sạn A. và Công ty Đ.-Sài Gòn đã không thành công mà còn để lại tai tiếng không hay ho gì. Tuy nhiên, cũng có trường hợp “thành công” khi doanh nghiệp hành xử theo kiểu nhờ “xã hội đen” giải quyết tranh chấp, nhưng cách này rất dễ dẫn đến tình huống xấu vì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp, nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc nhờ lực lượng công an, thường thì doanh nghiệp nhờ công an khi vụ việc tranh chấp có sự mập mờ, không rõ đây là quan hệ thương mại, dân sự hay hình sự .
Nếu vụ việc không có dấu hiệu hình sự, công an sẽ không thể giúp (vì họ không có cớ); nếu có dấu hiệu hình sự, công an có cớ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ kinh tế, dân sự thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo chiều hướng tốt; nhưng nếu công an hình sự hóa quan hệ thương mại, dân sự thì lại là điều đáng tiếc.
Chọn thương lượng để giải quyết tranh chấp
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, để giải quyết tranh chấp trong quá trình hợp tác làm ăn với nhau thì nên chọn con đường trọng tài thương mại, tòa án hoặc thương lượng.
Cụ thể, nếu xảy ra tranh chấp thì hầu hết doanh nghiệp thường chọn con đường thương lượng - con đường ngắn nhất nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thương lượng và khả năng tài chính của đối tác. Bởi thương lượng sẽ tiết kiệm được thời gian.
Nếu chọn tòa án thì thời gian tham gia tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... đến thi hành án không biết sẽ kéo dài đến bao nhiêu năm. Còn nếu giải quyết bằng con đường trọng tài thì về mặt lý thuyết, phán quyết của trọng tài vẫn có thể bị Tòa án hủy nên vụ việc vẫn sẽ kéo dài.t
Hơn nữa, thương lượng thành thì việc thanh toán sẽ có tính tự nguyện cao; vẫn giữ được mối quan hệ đối tác trong kinh doanh, bảo vệ được uy tín của đối tác cũng như uy tín của mình.
Luật sư Tuấn “bật mí”, có những vụ tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện (theo luật không còn hiệu lực tranh chấp), thế nhưng với khả năng thương lượng khéo léo rất có thể doanh nghiệp sẽ thành công và thu hồi được tài sản.
Nhưng thường để thương lượng thành công, việc thương lượng phải đi đôi với các biện pháp khác như kiện ra tòa, ra trọng tài. “Nhiều khi mình thuyết phục người ta không nghe, nhưng khi hòa giải, thương lượng tại tòa, với những nhận định trên cơ sở pháp luật của Thẩm phán thì thương lượng dễ thành công hơn”.
Tuy nhiên, hạn chế của việc thương lượng là không thể căn cứ vào biên bản thương lượng mà cưỡng chế thi hành - vì nó không phải là bản án hay phán quyết của trọng tài có hiệu lực pháp luật. Vì thế, có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc thương lượng để kéo dài thời gian cho qua thời hiệu khởi kiện của chủ tài sản.
Luật sư Tuấn cho biết thêm, phần lớn các vụ tranh chấp trong kinh doanh xuất phát từ việc một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ trong các cam kết dân sự, thương mại. Ví dụ như doanh nghiệp A. ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp B., nhưng do giá sản phẩm này trên thị trường đột ngột tăng (cao hơn giá đã ký kết) nên A. đã từ chối giao hàng.
Hay doanh nghiệp C. bán thép cho doanh nghiệp D., khi giá thép hạ (thấp hơn giá đã ký kết), D. từ chối nhận hàng, thế là xảy ra tranh chấp...
Trên thực tế, nhiều khi không vi phạm hợp đồng, không nợ nần gì nhau mà các doanh nghiệp vẫn tranh chấp và đưa nhau ra tòa. Họ kiện nhau vì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của nhau.
Như trường hợp Công ty K. bị Công ty V.T và ƯV kiện vì mẩu quảng cáo có nội dung so sánh bị cho là “xúc phạm” chất lượng sản phẩm cùng loại khác. Vấn đề này, Luật sư Tuấn cho rằng, các tranh chấp về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ sẽ gia tăng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).