Tranh chấp QSDĐ ở Bình Thuận: Toà cố tình “đánh lận con đen”, xử án ngược đời?

(PLO) - Vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ kéo dài đến nay đã hơn 10 năm, dù đã qua 3 lần xét xử, 1 lần giám đốc thẩm tuy nhiên Toà chẳng những chưa làm rõ được mấu chốt vấn đề mà bản án sau cùng còn bị “tố” là có dấu hiệu trái pháp luật.
Mảnh đất chuyển nhượng trong hợp đồng đến nay ông Nhân vẫn đang quản lý, sử dụng
Mảnh đất chuyển nhượng trong hợp đồng đến nay ông Nhân vẫn đang quản lý, sử dụng

Cùng vụ việc, 2 bản án trái ngược

Ông Phạm Trung Nhân (khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) phản ánh, vào năm 2002, ông Nhân và mẹ là bà Nguyễn Thị Đào có ký 2 hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Truyền, Cao Hạnh (TP.Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Cụ thể, một hợp đồng số 174-CN giữa bà Đào với vợ chồng bà Truyền, thửa đất chuyển nhượng diện tích 566,5m2. Hợp đồng còn lại, số 175-CN, giữa ông Nhân với vợ chồng bà Truyền, thửa đất chuyển nhượng diện tích 21.604m2.

Giá chuyển nhượng tổng cộng của hai thửa đất ghi tại hợp đồng là 66 triệu đồng, tuy nhiên thoả thuận của hai bên trên thực tế là 220 triệu đồng. Vì có quan hệ họ hàng nên mẹ con ông Nhân đồng ý ký hợp đồng và cho vợ chồng bà Truyền làm thủ tục sang tên trước, sau đó mới giao nhận tiền.

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, bà Truyền vẫn chưa giao tiền. “Chiều ngày 26/8/2002, tôi với mẹ đang lao động ngoài ruộng thì vợ chồng bà Truyền mang theo hợp đồng soạn sẵn tới. Vì là người trong nhà, tin tưởng nhau, hai mẹ con tôi ký ngay tại bờ ruộng, có hai người làm chứng. Sau này bà Truyền trở mặt”, ông Nhân kể.

Theo ông Nhân, bà Truyền sau khi sang tên QSDĐ, nhiều năm sau vẫn không thực hiện giao tiền theo như cam kết trong hợp đồng, vì thế phía ông Nhân cũng chưa bàn giao tài sản. Hai bên tranh cãi, chính quyền địa phương hoà giải bất thành, mẹ con ông Nhân khởi kiện ra Toà yêu cầu huỷ hai hợp đồng.

Tháng 7/2008, TAND huyện Bắc Bình đưa vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ra xét xử sơ thẩm. Khi đó, bà Truyền trình bày vợ chồng bà đã giao cho mẹ con ông Nhân số tiền 216 triệu đồng, tuy nhiên trong quá trình xác minh vụ án cũng như tại Toà bà Truyền không chứng minh được lời khai.

Chưa kể việc xác minh lời khai trước đó, bà Truyền có lúc khai chuyển nhượng số tiền 164 triệu đồng, lúc khai 210 triệu đồng. Trước những lời khai tiền hậu bất nhất, vô căn cứ, Toà xác định bà Truyền “có hành vi gian dối” và tuyên huỷ 2 hợp đồng nói trên.

Bị đơn kháng cáo, tháng 10/2008, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm. Cũng như lần trước, bà Truyền khai đã giao số tiền 216 triệu đồng cho mẹ con bà Đào, ông Nhân. Tuy nhiên không trình bày giao cho bà Đào bao nhiêu, giao cho ông Nhân bao nhiêu, và không có chứng cứ chứng minh. Toà cho rằng mẹ con ông Nhân “bị lừa dối” khi hợp đồng đã ký, nhưng vợ chồng bà Truyền vẫn “chưa thanh toán”, đồng thời xác định một số lời khai khác của bị đơn là “không có cơ sở”, “không có căn cứ chấp nhận”. Toà bác kháng cáo của vợ chồng bà Truyền, tuyên y án sơ thẩm.

Năm 2009, Toà Dân sự TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 688/2009/DS-GĐT, huỷ 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm nói trên, yêu cầu xét xử lại. Theo TAND tối cao, nội dung chủ yếu của vụ án là tranh chấp về giao nhận tiền, do đó cần xác minh thu thập chứng cứ để xác định bên nhận chuyển nhượng đất đã trả đủ tiền hay chưa? Chưa làm rõ vấn đề này, 2 cấp Toà sơ thẩm và phúc thẩm tuyên huỷ hợp đồng là không đủ cơ sở vững chắc.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận khi xét xử sơ thẩm lại vụ án vào tháng 3/2017 dường như phớt lờ vấn đề cốt lõi mà TAND tối cao nêu ra. Điều đáng nói, trước lời khai của bị đơn rằng “đã thanh toán đủ tiền”, Toà không hề đề cập, làm rõ việc bị đơn đã thanh toán tiền như thế nào, mỗi hợp đồng bao nhiêu, chứng từ. Cũng không yêu cầu bị đơn đưa ra bằng chứng chứng minh. Thay vào đó, Toà yêu cầu bên nguyên đơn phải chứng minh rằng mình chưa nhận tiền.

Dù né tránh vấn đề mấu chốt của vụ án, TAND tỉnh Bình Thuận tại Bản án số 03/2017/DS-ST, vẫn tuyên bác yêu cầu khởi kiện của mẹ con ông Nhân. Điều này trái ngược với chính bản án mà Toà này tuyên cách đó 9 năm, khi đó cho rằng phía bị đơn tiền hậu bất nhất và “có hành vi gian dối”.

Bản án trái pháp luật

Sau khi bản án sơ thẩm số 03/2017/DS-ST của TAND tỉnh Bình Thuận có hiệu lực pháp luật, ông Nhân đã có đơn đề nghị xem xét lại bản án nói trên gửi đến Cục điều tra VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM. Theo ông Nhân, Toà đã không yêu cầu phía bị đơn (bên nhận chuyển nhượng) chứng minh cho lời khai: “đã thanh toán đủ tiền một lần cho nguyên đơn vào ngày ký hợp đồng” mà còn lấy “cam kết” trong hợp đồng làm chứng cứ để công nhận lời khai này, là cố ý kết luận trái pháp luật.

Toà cũng cố tình đánh lận con đen khi buộc nguyên đơn chứng minh việc mình chưa được thanh toán. Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa hai bên vi phạm về trình tự thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ, QSDĐ cấp cho chủ hộ nhưng Toà vẫn công nhận hợp đồng chuyển nhượng do 1 cá nhân tự ý ký. Ông Nhân đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trong đó có cơ quan thi hành án xem xét lại bản án, tránh trường hợp gây oan sai cho gia đình. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), hồ sơ vụ án cho thấy, Bản án 03/2017/DS-ST ngày 13/3/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận có nhiều vi phạm quy định pháp luật.

Trong vụ án này, nghĩa vụ chứng minh việc thanh toán tiền thuộc về bên giao tiền (bên bị đơn) bằng các chứng cứ như: chứng từ, giấy biên nhận,... Tuy nhiên, ở đây Toà lại yêu cầu phía nguyên đơn (người nhận tiền) phải có chứng cứ “để phủ nhận”việc nhận tiền, yêu cầu này là trái ngược với lối thông thường và trái với quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Bản án có lời khai ông Trần Toàn Hiển, Phạm Hùng Anh, Phan Thị Lợi với tư cách là người làm chứng nhưng lại không đưa vào vụ án và triệu tập tham gia phiên toà xét xử để xác định những người này là ai, có thật hay không, xác định lời khai của họ có đủ cơ sở để làm chứng cứ của vụ án, có đúng quy định pháp luật hay không.

Hợp đồng chuyển nhượng có dấu hiệu vi phạm về trình tự thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ quy định tại Nghị định 17/1999/NĐ-CP nhưng bản án sử dụng những lời khai của những người không có trong vụ án làm chứng cứ, việc thẩm định của UBND xã, phòng địa chính có những mâu thuẫn.

Vấn đề quan trọng nhất của vụ án này là xem xét hiệu lực pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng. Về thu thập chứng cứ, Tòa chưa xác định rõ nguồn gốc và chủ thể quyền sử dụng đất đã giao dịch và tranh chấp. Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ gia đình nhưng lại không đưa người liên quan (người trong hộ) vào vụ án dẫn đến áp dụng sai về điều kiện giao dịch, từ đó Tòa đã áp dụng sai quy định pháp luật. Với vụ án này thì không thể công nhận hợp đồng chuyển nhượng cho các bên. Với những vi phạm này thì phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những thành viên khác trong hộ gia đình.

Đọc thêm