Mua đất hợp pháp, bị tuyên hợp đồng vô hiệu
Năm 2013, ông Nguyễn Văn Hùng (quận 1, TP HCM) có nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Trái (huyện Bình Chánh) thửa đất số 631, diện tích 200,2m2 (tờ bản đồ số 5, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Trước đó vào năm 2011, bà Trái đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ - sổ đỏ) số BĐ 774652 cho mảnh đất này.
Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với trình tự thủ tục theo đúng quy định, ông Hùng được UBND huyện Bình Chánh cấp đổi sổ đỏ số BN 714688 cho mảnh đất trên. Điều đó đồng nghĩa, ông Hùng mua mảnh đất hoàn toàn hợp pháp, được chính quyền công nhận.
Bỗng dưng năm 2014, bà Trái bị vợ chồng ông Trần Văn Tư và bà Nguyễn Thị Nết (sống cạnh mảnh đất) khởi kiện ra tòa vụ việc “Tranh chấp QSDĐ” đối với thửa đất 200,2m2. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu ông Hùng và bà Trái trả lại diện tích 200,2m2 nói trên, hủy sổ đỏ đã cấp cho bà Trái năm 2011 và sổ đỏ đã cấp cho ông Hùng năm 2013.
Chủ cũ mảnh đất bị khởi kiện, mảnh đất mình mua rơi vào tranh chấp, ông Hùng bị cuốn vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Để bảo vệ quyền lợi, ông Hùng có yêu cầu độc lập là đề nghị Tòa công nhận QSDĐ đối với mảnh đất mà ông là người mua ngay tình, được cấp sổ đỏ hợp pháp.
Năm 2018, TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử, tuyên công nhận mảnh đất trên cho nguyên đơn, bác yêu cầu độc lập và hủy sổ đỏ của ông Hùng. Năm 2019, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông Hùng, tuyên hợp đồng mua đất giữa ông Hùng và bà Trái là vô hiệu, buộc trả đất cho nguyên đơn.
Cuối tháng 5/2019, ông Hùng đã làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, gửi đến Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP HCM, yêu cầu xem xét bản án phúc thẩm của TAND TP HCM.
2 bản án có nhiều mâu thuẫn
Ông Hùng cho rằng, việc giải quyết vụ án của 2 cấp tòa có nhiều bất thường, thậm chí trái quy định của luật, để biến 2 sổ đỏ chính quyền đã cấp cho bà Trái và ông trở nên vô nghĩa. Ông là người mua đất ngay tình, đã được cấp sổ đỏ hợp pháp giờ bị mất đất.
Cụ thể, Bản án sơ thẩm số 107/2018/DS-ST ngày 19/6/2018 và Bản án phúc thẩm số 438/2019/DS-PT ngày 17/5/2019 có nhiều khuất tất, không phù hợp với các tình tiết khách quan, mẫu thuẫn với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ.
Theo hồ sơ vụ án, Trích sao sổ địa bộ số 2271/TS-TTĐK ngày 09/10/2008 của Trung tâm Thông tin Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thể hiện, phần đất tranh chấp có nguồn gốc do ông Phan Văn Lai (cha chồng bà Trái) đứng bộ trước năm 1975.
Ngoài ra, công văn số 23173/TTĐK-KT ngày 10/10/2008 của đơn vị này cũng thể hiện, sau năm 1975, đất đưa vào Tập đoàn 24 theo Chỉ thị 299/TTg. Đến năm 1992, đất do ông Trịnh Văn Tường đứng tên trên sổ bộ theo chỉ thị 02/CT-UB. Đến năm 2006, bà Phan Thị Sấm (được cho là chị ông Tư – nguyên đơn) là người kê khai.
Về việc năm 1992 ông Tường kê khai đất có nguồn gốc gia đình bà Trái, công văn số 4904/UBND ngày 04/12/2015 của UBND xã Vĩnh Lộc A đính chính là do ghi nhầm tên. Đồng thời, ông Tường đã lập đơn tường trình và cam kết ngày 22/10/2018 tại văn phòng công chứng, khẳng định việc mình kê khai nhầm trên phần đất thuộc sở hữu của gia đình bà Trái.
Liên quan đến việc bà Phan Thị Sấm kê khai trên Phiếu công khai thông tin nhà đất. Năm 2010, bà Trái đã có tranh chấp với bà Sấm tại UBND xã. Theo Biên bản hòa giải của UBND xã Vĩnh Lộc A ngày 04/3/2010 đã xác nhận phần đất có tranh chấp thuộc về ông Phan Văn Lai (cha chồng bà Trái) và đề nghị bà Trái đăng ký sử dụng đất. Bà Sấm đã ký xác nhận vào biên bản và không có ý kiến gì.
Trong khi đó, nguyên đơn trình bày về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng ở các gia đoạn trước 1975, sau 1975 đến nay lại có nhiều điểm trái ngược với tài liệu, thông tin của cơ quan chức năng đưa ra. Những trình bày này cũng không có chứng cứ thuyết phục, tuy nhiên Tòa lại dựa vào đó để công nhận đất tranh chấp cho nguyên đơn.
Nhiều nghi vấn chưa được làm rõ
Trong khi phía bị đơn – bà Trái vừa trình bày nguồn gốc đất vừa kèm theo các tài liệu căn cứ, đồng thời trong 2 lần hòa giải phía bà Trái đều được UBND xã Vĩnh Lộc A khẳng định là gia tộc chủ sở hữu phần đất tranh chấp, thì phía nguyên đơn chỉ trình bày miệng, không có tài liệu chứng minh.
Chẳng những vậy, lời khai phía bà Nết trước tòa có nhiều nghịch lý, mâu thuẫn đầy nghi vấn. Cụ thể, bà Nết khai rằng đất tranh chấp nguồn gốc “của ông Phan Văn Xô là ông nội của ông Trần Văn Tư để lại cho ông Tư trước năm 1975”. Điểm nghi vấn là ông nội chồng và chồng bà Nết lại mang hai họ khác nhau, quan hệ ông cháu ở đây chính xác là như thế nào?
Điều nữa, bà Nết cho rằng quá trình canh tác sử dụng đất, gia đình bà không đi đăng ký kê khai mà để cho bà Phan Thị Sấm là chị ông Tư đi đăng ký, kê khai năm 2006. Tòa chưa làm rõ được bà Sấm có quan hệ cụ thể như thế nào với ông Tư, cũng như việc tại sao người này sử dụng đất mà người kia kê khai đăng ký?
Điều đặc biệt, phía bà Nết cho rằng sát cạnh mảnh đất 200,2m2 là phần đất thổ mộ (318,7m2) của gia tộc bà, trên đó có mồ mả thân tộc được gia đình bà trông coi. Tuy nhiên, phía bà Trái cho rằng nguyên đơn đã gian dối bởi hơn chục ngôi mộ nằm cạnh đất tranh chấp là của gia tộc bà Trái, không hề có ngôi mộ nào thuộc gia tộc bà Nết.
Ông Phan Văn An (con trai bà Trái) khẳng định, phần đất thổ mộ hiện có 11 ngôi mộ là mộ của dòng họ Phan, nói rồi ông đọc vanh vách tên cũng như vị trí các ngôi mộ. Để tiếp tục chứng minh, ông An mang ra tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của người ông thứ 4 trong nhà là liệt sỹ Phan Văn Phó, hi sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1950. Mộ ông Phó là một trong số 11 ngôi mộ nói trên.
|
|
Phía bị đơn chứng minh nguyên đơn đã gian dối nhưng Tòa không làm rõ |
“Ra tòa, phía chúng tôi có cung cấp hình ảnh và trình bày chi tiết về mồ mả, nhưng bị hội đồng xét xử gạt đi. Trong khi phía nguyên đơn chỉ trình bày miệng mà không thể chứng minh được gì”, ông An bức xúc vì ngay đến mồ mả ông bà mà lại bị người khác tranh giành, bịa đặt.
Để xác thực thông tin, phóng viên đã đến khu thổ mộ và thực tế đúng như ông An trình bày. Nghi vấn đặt ra, tại sao lời khai của nguyên đơn có nhiều điểm trái ngược thực tế, mâu thuẫn với ý kiến của bị đơn và khẳng định của UBND xã Vĩnh Lộc A nhưng Tòa lại không làm sáng tỏ vấn đề mà căn cứ vào đó để tuyên án?
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.
Luật sư Tạ Minh Trình - Đoàn Luật sư TP HCM phân tích, căn cứ Trích sao sổ địa bộ số 2271/TS-TTĐK và Công văn số 23173/TTĐK-KT của Trung tâm thông tin Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì đất tranh chấp trước năm 1975 có nguồn gốc của ông nội chồng bà Trái. Sau 1975 thì đất đưa vào Tập đoàn 24, đến năm 1992 ông Tường kê khai và sau này ông Tường trình bày kê khai nhầm đất của bà Trái và dòng tộc. Những thông tin này cũng được UBND xã Vĩnh Lộc A xác nhận.
Phía nguyên đơn thì cho là nguồn gốc đất tranh chấp trước năm 1975 là của ông nội là Phan Văn Xô, đến sau năm 1975 thì nguyên đơn quản lý sử dụng nhưng đều không có tài liệu căn cứ. Đặc biệt, những lời khai này trái ngược với thông tin lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường lẫn thực tế, điển hình là chuyện mồ mả. Hai bản án công nhận đất tranh chấp cho nguyên đơn mặc dù chưa làm sáng tỏ những vấn đề còn tồn tại là không thuyết phục, dẫn đến tình trạng bị đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.