Tranh chấp thừa kế tại 28 Hàng Vôi: Người để lại di sản là ông, bà nội của bị đơn?

(PLO) - Liên quan đến tranh chấp thừa kế tại 28 Hàng Vôi (Hà Nội), qua trả lời của Thanh tra Chính phủ thì có thể thấy, đây là di sản của ông, bà nội  (chứ không phải bố, mẹ) nguyên đơn và bị đơn trong vụ án. 

Liệu đây có phải là căn cứ quan trọng để xác định danh sách những những người “đồng thừa kế” trong vụ kiện này?

Nhà 28 Hàng Vôi đang có tranh chấp
Nhà 28 Hàng Vôi đang có tranh chấp

Không thuộc diện nhà cải tạo

Căn nhà 28 Hàng Vôi nguyên là của cụ Hoàng Huân Trung và cụ Vũ Thị Trúc theo Bằng khoán điền thổ số 666. Năm 1950, cụ Trung mất nên cụ Trúc quản lý ngôi nhà. Đến năm 1954, cụ Trúc ủy quyền cho anh trai Vũ Trọng Quý quản lý nhà. Sau khi cụ Quý mất, ngày 5/12/1957, ông Hoàng Cơ Quảng (con trai cụ Trung và cụ Trúc) đã có đơn xin được quản lý nhà 28 Hàng Vôi và ủy quyền cho vợ là bà Vũ Thị Tám làm thủ tục quản lý nhà.

Đến năm 1959, do phải đi theo đơn vị nên ông Quảng có đơn đề nghị Sở Nhà cửa trước bạ đến quản lý ngôi nhà. Sau khi giải phóng miền Nam, gia đình ông Quảng nhiều lần có đơn đề nghị Nhà nước trả lại nhà 28 Hàng Vôi để gia đình tự quản lý, trông nom vì đây là nhà của bố mẹ ông (cụ Trung, cụ Trúc để lại). 

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 20/1/2000, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) có Kết luận số 51/TTNN-XKT báo cáo kết quả xác minh đơn xin lại nhà 28 Hàng Vôi, xác định: “Nhà 28 Hàng Vôi là nhà thuộc diện vắng chủ, đã được cơ quan nhà cửa - trước bạ Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền quản lý nhà vắng chủ 28 Hàng Vôi cho ông Hoàng Cơ Quảng, không thuộc diện nhà cải tạo, có nguồn gốc của bố mẹ ông Hoàng Cơ Quảng... 

Do vậy, Nhà nước giao lại quyền quản lý ngôi nhà của bố mẹ ông để lại cho gia đình ông là phù hợp tại điểm 2 Văn bản số 92 - QLN ngày 4/8/1982 của Bộ Xây dựng về chính sách nhà vắng chủ gửi Sở Nhà đất Hà Nội.

Từ các cơ sở pháp lý nêu trên, lẽ ra Nhà nước giao lại quyền quản lý, sử dụng nhà 28 Hàng Vôi cho gia đình ông Hoàng Cơ Quảng là phù hợp nhưng do tình hình thực tế hiện nay có 7 hộ đang thuê của Nhà nước để ở. Để tránh xáo trộn làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của những hộ đang sinh sống ở đây và tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp, Thanh tra Nhà nước kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hà Nội ra quyết định giải quyết khiếu nại của gia đình ông Quảng, bà Tám theo thẩm quyền mà pháp luật đã quy định theo hướng đề xuất giao cho gia đình ông Quảng một diện tích đất nơi khác có vị trí thuận lợi...”.

Kết luận và kiến nghị trên đã được Thủ tướng đồng ý và yêu cầu UBND TP triển khai thực hiện. Sau đó, UBND TP Hà Nội có hướng giải quyết trả lại 1 phần nhà đất tại 28 Hàng Vôi cho gia đình ông Quảng (tương ứng với phần đang thuê).

Di sản của bố, mẹ hay của ông, bà?

Năm 2015, bà Hoàng Kim Anh (con gái ông Hoàng Cơ Quảng) đã khởi kiện đối với em trai Hoàng Kim Đồng để yêu cầu chia thừa kế, đòi tài sản chung đối với khối tài sản là nhà từ đường tại phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và nhà đất tại số 28 Hàng Vôi vì cho rằng đây là di sản của bố mẹ (ông Quảng, bà Tám).

Trong khi đó, ông Hoàng Kim Đồng (bị đơn) khẳng định việc giải quyết trả nhà đất tại 28 Hàng Vôi chưa xong. Giả sử Nhà nước có giải quyết xong việc trả lại 1 phần nhà đất tại 28 Hàng Vôi thì đây cũng là di sản của vợ chồng cụ Trung  (ông bà nội của nguyên đơn, bị đơn-PV) chứ không phải di sản của vợ chồng ông Quảng (bố mẹ của nguyên đơn, bị đơn-PV) như quan điểm của bà Kim Anh. Tức là nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện chỉ là hàng thừa kế thứ 2 chứ không phải ở hàng thừa kế thứ nhất của người để lại di sản.

Việc chia thừa kế tại 28 Hàng Vôi đã từng được TAND TP Hà Nội đình chỉ giải quyết vì chưa đủ điều kiện khởi kiện (chưa có cơ sở xác định đây là di sản của ông Quảng, bà Tám). Tuy nhiên, phán quyết này đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy và chuyển hồ sơ để TAND TP Hà Nội giải quyết lại theo đúng quy định.

Để hiểu rõ hơn về chủ thể được Nhà nước trả lại nhà 28 Hàng Vôi, ông Hoàng Kim Đồng đã có đơn đề nghị Thanh tra Chính phủ giải thích Báo cáo số 51/TTNN-XKT ngày 20/1/2000.

Ngày 26/7/2017, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 1855/TTCP-C.I trả lời ông Đồng, khẳng định: “Việc Nhà nước trả nhà 28 Hàng Vôi cho gia đình ông Hoàng Cơ Quảng (bố ông Hoàng Kim Đồng, mẹ ông Đồng là bà Vũ Thị Tám đứng đơn) nguyên là tài sản của cụ Hoàng Huân Trung, Nguyễn Thị Nhân và cụ Vũ Thị Trúc (chủ sở hữu). Theo đó là tài sản chung của tất cả các con, cháu của các cụ (ông Hoàng Huân Trung, bà Nguyễn Thị Nhân và bà Vũ Thị Trúc); mọi phát sinh về quyền lợi hay chuyển dịch tài sản được thực hiện theo pháp luật về thừa kế”. 

Theo trả lời trên, ông Đồng khẳng định nhà đất tại 28 Hàng Vôi là tài sản chung của 18 người con cụ Trung. Ông Quảng (bố ông Đồng và bà Kim Anh) chỉ là 1 trong 18 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ. Nay, những người ở hàng thừa kế thứ nhất không còn thì đây là tài sản thừa kế của hơn 300 người cháu cụ Trung. Vì vậy, không thể coi toàn bộ tài sản trên thuộc về ông Quảng để chia thừa kế cho 4 người con của ông Quảng được.

Theo ông Đồng thì quan điểm trên cũng là quan điểm của bố ông thể hiện tại bức thư gửi các anh em ruột khẳng định rằng, di sản tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và 28 Hàng Vôi là tài sản chung của 18 người con cụ Hoàng Huân Trung. 

Ngoài ra, thư của ông Hoàng Cơ Thuỵ và các con của cụ Trung tại châu Âu đề ngày 12/7/1994 gửi các cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, hai khối di sản nêu trên là của các anh chị em ông (tức các con của cụ Trung).

Tại hai bản án của TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao trước đây cũng đã ghi nhận ý kiến bằng văn bản vào năm 2015 của ông Hoàng Cơ Lân (cháu nội cụ Trung, cụ Nhân- sống tại Pháp) và của ông Vũ Hoàng Châu (cháu ngoại cụ Trung, cụ Trúc- sống tại Pháp) rằng, khối di sản ở Đông Ngạc và 28 Hàng Vôi đều là di sản của cụ Trung; cụ Trung chết không để lại di chúc nên di sản cụ để lại là sở hữu chung của tất cả con cháu của cụ. 

Với xác nhận trên thì có thể thấy, nhà 28 Hàng Vôi đang là tài sản chung của khoảng 300 đồng thừa kế là những người cháu của cụ Trung đang sinh sống tại nhiều nước trên thế giới?

Đọc thêm