​Tranh chấp thừa kế tại Khánh Hòa: Giải pháp nào để sớm kết thúc vụ án?

(PLVN) - Mới đây, Chánh án TAND Tối cao đã có Quyết định kháng nghị đối với vụ kiện tranh chấp thừa kế giữa ông Nguyễn Văn Xít (nguyên đơn, trú tại tổ 6 Xuân Lạc 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa)  và bà Phan Thị Cân, đồng thời chỉ ra nhiều sai sót trong  nhận định của Tòa cấp dưới khi ra phán quyết cho bị đơn thắng kiện.

Như PLVN đã từng thông tin, cụ Nguyễn Mô và cụ Nguyễn Thị Chảnh có sáu người con là các ông bà Nguyễn Hai, Nguyễn Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Văn Xít, Nguyễn Thị Bảy và Nguyễn Thị Lui.

Cụ Mô qua đời năm 1993 và cụ Chảnh qua đời năm 1972, đều không để lại di chúc. Di sản của hai cụ có hai thửa đất gồm: thửa đất rộng khoảng 3000m2 (có nhà từ đường, có khu mộ địa) và đất quả tại tổ 7, thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang; một thửa đất màu diện tích 1500m2 liền kề thửa đất có từ đường. 

Năm 2003, ông Hai bệnh nặng cần tiền chữa trị nên anh em ông Xít đã thống nhất chia cho ông Hai 500 m2 trong thửa đất 1500 m2. Diện tích còn chia cho năm anh em còn lại.

Thửa đất có từ đường vẫn do vợ chồng ông Hai quản lý, thờ cúng và tự ý xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà các đồng thừa kế khác không biết. Sau khi ông Hai mất, vợ ông Hai là bà Phan Thị Cân đã tự ý chia đất cho các con và cũng xin cấp GCNQSDĐ. Sau đó, bà Cân còn rao bán thửa đất nơi có nhà từ đường lưu giữ Sắc mệnh chi bửu  năm Tự Đức thứ 34 (1882) được cấp cho tổ tiên của ông Xít.

Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Xít đã có đơn khởi kiện bà Cân, đề nghị Tòa chia thừa kế để bảo tồn từ đường. Bản án sơ thẩm năm 2010 của Tòa án tỉnh Khánh Hòa, Bản án phúc thẩm  năm 2011 của Tòa phúc thẩm TANDTC (nay là TAND Cấp cao) tại Đà Nẵng đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, chia cho anh em ông Xít, bà Tư, bà bảy, bà Lui 1300 m2, trên đó có từ đường để hương khói tổ tiên.

Sau khi bản án thi hành, ông Xít đã đầu tư tôn tạo từ đường thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm, hủy hai bản án,  giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại

Theo Bản án sơ thẩm (lần hai) số 22/2017/DS-ST, TAND tỉnh Khánh Hòa đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (ra phán quyết như hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây). Tuy nhiên, tại Bản phúc thẩm (lần 2) số 61/2018/DSPT ngày 18/5/2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại có phán quyết trái ngược với các bản án trước, bác yêu cầu của nguyên đơn; buộc nguyên đơn và những người có quyền lợi liên quan trả lại phần đất đã nhận cho các con bà Cân.

Sau khi ông Nguyễn Văn Xít có khiếu nại, ngày 25 /12 / 2018, Chánh án TANDTC đã có Quyết định kháng nghị số 43/ 2018/ KN–DS, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 61/2018/DSPT và Bản án dân sự sơ thẩm số 22/ 2017/DSST, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định kháng nghị, bà Cân đã không xuất trình được tài liệu chứng minh việc vợ chồng cụ Mô cho vợ chồng bà Cân toàn bộ nhà đất đang tranh chấp, cũng như cụ Mô đã chia cho tài sản cho các con trước khi chết. Có căn cứ xác định 2.526m2 đất (trên đất có nhà từ đường thuộc thửa 110, tờ bản đồ số 37 xã Vĩnh Ngọc) là di sản của cụ Chảnh, cụ Mô để lại, chưa chia.

Theo một số luật sư thì việc Chánh án TANDTC chỉ ra sai sót của Tòa cấp phúc thẩm (lần 2) như trên là rất xác đáng. Tuy nhiên, để tránh kéo dài vụ án, tạo thuận lợi cho các đương sự thì chỉ nên đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC hủy Bản án phúc thẩm số 61/2018/DSPT, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 22/2017/DS-ST của TAND tỉnh Khánh Hòa (có nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn). 

Theo Điều 344 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa) thì khi thấy Tòa cấp sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật nhưng bản án này đã bị Tòa cấp phúc thẩm sửa đổi thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền ra quyết định hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án của Tòa cấp sơ thẩm.

Trường hợp bị đơn có chứng cứ cho rằng thửa đất hiện do ông Xít sử dụng (đối diện thửa đất số 110 có tranh chấp) là di sản của cụ Mô, cụ Chảnh thì Tòa có thể dành quyền cho bị đơn quyền khởi kiện trong một vụ chia thừa kế khác.

Đọc thêm