Tranh luận việc truy thu thuế tài nguyên với tài sản tịch thu đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (TTDVĐGTS - thuộc Sở Tư pháp Quảng Trị) cho rằng không có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên khi hợp đồng dịch vụ đấu giá các lô gỗ bị tịch thu. Tuy nhiên, Cục Thuế Quảng Trị vẫn ra quyết định truy thu, cưỡng chế hoá đơn thuế khiến Trung tâm cho rằng hoạt động gặp nhiều khó khăn, đình trệ.
Cục Thuế tỉnh Quảng Trị.
Cục Thuế tỉnh Quảng Trị.

Mỗi cơ quan một quan điểm

Ngày 17/7/2017, Cục Thuế Quảng Trị ra Quyết định (QĐ) kiểm tra việc chấp hành thuế tại TTDVĐGTS. Đoàn kiểm tra xác định Trung tâm là “tổ chức được giao bán tài sản” các lô gỗ bị tịch thu từ 2013 - 2016 nên bị truy thu hơn 2,7 tỷ đồng thuế tài nguyên.

Cho rằng mình chỉ thực hiện dịch vụ đấu giá tài sản nên TTDVĐGTS không ký vào biên bản kiểm tra thuế. Hành vi này bị Cục Thuế ra QĐ phạt 3,5 triệu đồng. Sau khi xác nhận lại, ngày 1/4/2019 Cục Thuế ra QĐ 1422/QĐ-XPVPHC, số tiền truy thu từ hơn 2,7 tỷ xuống còn hơn 2,1 tỷ đồng.

Khi TTDVĐGTS bị cưỡng chế hoá đơn, UBND tỉnh Quảng Trị có ý kiến: “Cục Thuế tỉnh dỡ phong tỏa hoá đơn bán hàng của TTDVĐGTS để tạo điều kiện cho Trung tâm hoạt động”. Ngày 30/12/2019, tại Văn bản 3528, Sở Tài chính nêu ý kiến: Các khoản thu ngân sách từ 2013 - 2016 đã được HĐND tỉnh phê duyệt chuẩn, được Bộ Tài chính tổng hợp vào quyết toán ngân sách Quốc gia và đã được Quốc hội phê chuẩn. Do đó, việc điều chỉnh khoản thu, mục thu, điều chỉnh khoản thu các cấp ngân sách là rất khó thực hiện.

Đáng chú ý, Cục Thuế từng xác định tại khoản nợ NSNN của TTDVĐGTS tỉnh phải trả không phải lỗi do Trung tâm cố tình. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo TTDVĐGTS nộp một phần tiền thuế, tiền phạt. Cục Thuế tỉnh sẽ báo cáo Tổng cục Thuế để tạm thời giải phóng (dỡ) hoá đơn bán hàng với TTDVĐGTS khi Trung tâm nộp một phần của nợ thuế. Thế nhưng, toàn bộ tiền đấu giá gỗ Trung tâm đã nộp vào NSNN. Ngày 7/01/2022, Cục Thuế tiếp tục ra QĐ 25 cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn tại TTDVĐGTS.

Mới đây, ngày 5/12/2022 Sở Tư pháp Quảng Trị có Văn bản 2211 đề nghị Sở Tài chính chủ trì phối hợp Cục Thuế tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính chỉ đạo không thực hiện truy thu thuế tài nguyên nói trên.

Văn bản của Sở Tư pháp.

Văn bản của Sở Tư pháp.

Tại Văn bản 5204 ngày 2/10/2017, Cục Thuế xác định TTDVĐGTS là “tổ chức được giao bán tài sản” theo khoản 2.7 Điều 3 Thông tư 105/2010 và khoản 5 Điều 3 Thông tư 152/2015 của Bộ Tài chính để thu thuế tài nguyên. Cụ thể, khoản 5 Điều 3 Thông tư 152/2015 quy định: Với tài nguyên thiên nhiên cấm khai thác hoặc khai thác trái phép bị bắt giữ tịch thu thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên và được phép bán ra; thì tổ chức được giao bán phải khai, nộp thuế tài nguyên theo từng lần phát sinh tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp; trước khi trích các khoản chi phí liên quan hoạt động bắt giữ, bán đấu giá trích thưởng theo chế độ quy định.

Cần sớm có hướng dẫn cụ thể

Theo tìm hiểu, một số tỉnh, thành không thực hiện thu thuế tài nguyên với các lô gỗ bị tịch thu bởi tiền đã nộp NSNN. Một nguyên lãnh đạo Giám đốc TTDVĐGTS tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Có thu thuế tài nguyên chăng nữa thì chỉ là tách ra để hạch toán ở mục thuế tài nguyên, tổng thu NSNN không đổi. Trường hợp này Cục Thuế có sự nhầm lẫn về đối tượng chịu thuế tài nguyên. Với các lô gỗ tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu thì đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản bị tịch thu theo Nghị định 29/2014/NĐ-CP”.

Ngày 5/12/2022, Sở Tư pháp Quảng Trị có Văn bản 2211, nêu: Toàn bộ số tiền thu được trên 8,6 tỷ đồng đã được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 173/2013 của Bộ Tài chính.

Việc bán các lô gỗ bị tịch thu nằm trong quá trình thực hiện Quyết định xử phạt hành chính. Số tiền thu được khi bán đấu giá phải thực hiện theo Điều 82, 83 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, khoản 4 Điều 82 quy định: Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, phí bán đấu giá và chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, sau khi trừ các chi phí, được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Còn khoản 2 Điều 83 quy định số tiền thu được phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về NSNN.

Gần 6 năm nay, TTDVĐGTS tỉnh Quảng Trị cho rằng mình không có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên bởi không phải “là tổ chức được giao bán tài sản”. Nếu phải nộp thuế tài nguyên thì cũng không biết lấy tiền đâu để nộp, bởi tổng tiền thu được đã nộp NSNN. “Để xảy ra việc truy thu và cưỡng chế trong thời gian dài mà chưa có phương án tháo gỡ là điều đáng tiếc. UBND tỉnh Quảng Trị, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cần sớm có phương án tháo gỡ vướng mắc vấn đề này để tạo điều kiện cho TTDVĐGTS hoạt động bình thường trở lại”, một ý kiến nêu.

Đọc thêm