Thế mà ở nước ta còn rất nhiều trường hợp không chở che cho cái búp đó mà đang vắt kiệt dòng nhựa sống dành cho sự sinh sôi và phát triển. Trẻ em ở ta phải lao động từ rất sớm, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng núi – nơi cần đến trẻ em làm những công việc gia đình như chăn trâu, cắt cỏ, bế em, nấu cơm, thậm chí cả việc đồng áng và kiếm củi, bẻ măng vô cùng nặng nhọc.
Quan niệm phổ biến trong người dân coi đó là những em bé ngoan, chịu khó, biết đỡ đần cha mẹ và không ai can thiệp để các em có thời gian vui chơi, học hành, nghỉ ngơi mà trái lại, còn khuyến khích, ngay nhà trường cũng giáo dục các em theo hướng như vậy với triết lý dành cho người lớn “Lao động là vinh quang”.
Đề cập đến tình trạng phổ biến này ở đất nước chúng ta để đi đến một thực trạng gay gắt hơn nhiều, có tính chất tập trung hơn là việc sử dụng lao động trẻ em ở các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hay giúp việc nhà mà thực chất là lạm dụng sức lao động trẻ em mà rất ít trường hợp bị xử lý, coi như là “lao động hợp pháp”.
Trong khi đó, pháp luật của chúng ta nghiêm cấm các hành vi lạm dụng lao động trẻ em, tuy nhiên, có thể thấy rõ, từ pháp luật đến thực tế trong lĩnh vực này là một khoảng cách rất xa. Dư luận xã hội bức bối và lên án việc hành hạ trẻ em (như vụ bé Hào Hiệp là một ví dụ) nhưng lại rất coi thường việc sử dụng lao động là trẻ em.
Pháp luật ở nhiều nước cấm việc sử dụng lao động em dưới các hình thức khác nhau. Thậm chí, một số tổ chức quốc tế coi việc này là bóc lột. Tuy nhiên, hình thức lao động trẻ em như giúp việc nhà thì không tính đến, bởi vậy, cha mẹ lạm dụng sức lao động của con cái mình mà không biết là mình lạm dụng. Đây hoàn toàn thuộc lĩnh vực văn hóa ứng xử trong gia đình nhưng nguy hiểm là ở chỗ không nâng niu “búp trên cành” để lại hệ lụy sau này về thể chất cũng như tinh thần của trẻ, tước đi thời thơ ấu đẹp đẽ của các em.
Vì vậy, ngay cả những công việc trong gia đình thì tổ chức xã hội, chính quyền cũng phải để mắt đến và có sự hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời. Cái khó của việc hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong các làng nghề truyền thống chính là ở chỗ này, bởi sự khó phân biệt giữa “việc nhà” và lạm dụng sức lao động trẻ em. Điều này hoàn toàn lệ thuộc vào nhìn nhận, ứng xử của phụ huynh và tổ chức xã hội, chính quyền đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn.
Vấn đề là ở chỗ xã hội có quan tâm đến việc này và can thiệp kịp thời không mà thôi. Những hội nghị, hội thảo chuyên đề về lĩnh vực này cùng với sự lên tiếng của truyền thông, phổ biến pháp luật,... trong thời gian gần đây chính là nhằm đến việc thay đổi nhận thức của người dân và điều chỉnh cái nhìn của xã hội để thu hẹp dần khoảng cách giữa điều luật và thực tế, giữa văn minh, tiến bộ nhân loại với quan niệm lạc hậu, bảo thủ còn rơi rớt ở một bộ phận dân cư.
Thực ra, vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết từ những năm kháng chiến chống Pháp, thể hiện bằng sự căn dặn: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Và gìn giữ hòa bình”. Điều mấu chốt là ở chỗ “Tùy theo sức của mình”, trẻ em thì chỉ nên làm “việc nhỏ” mà còn “tùy” vào sức khỏe, tức là chủ động từ bản thân chủ thể các em nhưng người lớn cũng phải biết rõ điều này, ai bắt các em làm quá sức mình tức là lạm dụng và không được phép làm như vậy!
Tuy nhiên, điều kiện mang tính chất tiên quyết và bao trùm vẫn chính là mức sống, điều kiện kinh tế – xã hội. Đơn giản, chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa trẻ em thành phố và trẻ em nông thôn đã thấy rõ điều này. Vì vậy, nâng cao mức sống cùng với các thiết chế văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần cho toàn xã hội cùng với sự khai mở về quyền trẻ em và trách nhiệm của cha mẹ sẽ giảm thiểu đến mức tối đa sự lao động vất vả của trẻ.
Nhìn vào đời sống của trẻ em, sự đãi ngộ của xã hội và sự thụ hưởng chính sách ưu đãi trẻ em thì có thể đánh giá được sự ưu việt của chế độ xã hội đó đến đâu. Đây không phải là vấn đề trẻ em mà thực sự là vấn đề người lớn và không chỉ trong gia đình mà ở tầm xã hội. Không thể coi nhẹ khi xác định tương lai đất nước phụ thuộc vào thế hệ tiếp nối mà ngay từ hôm nay phải bảo vệ, chăm sóc, giữ gìn, giáo dục không thể lơ là!