Triển khai hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên

(PLO) - Hôm qua (23/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 (Đề án 2160). 
Ông Nguyễn Hải Long trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Nguyễn Long Hải cùng đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương đã tham dự hội nghị. 
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, Đề án 2160 là văn bản quan trọng, đánh dấu sự quan tâm về thể chế, chính sách, tạo cơ sở để tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong phạm vi cả nước. 
Các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên, qua đó đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, chủ động phòng ngừa, loại bỏ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án, ông Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết, ở Trung ương, Ban Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên thông qua tổ chức các diễn đàn phổ biến, lấy ý kiến thanh niên vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các diễn đàn Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin. 
Trong 5 năm triển khai Đề án, Bộ Tư pháp đã tổ chức 16 hội thảo, tọa đàm, tiến hành khảo sát trực tiếp lồng ghép kiểm tra Đề án, lấy 1.500 phiếu khảo sát về PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cuộc thi gương sáng thanh niên chấp hành pháp luật đồng thời tiến hành biên soạn, xây dựng nhiều tài liệu PBGDPL. 
Ở địa phương, Đề án cũng được triển khai một cách hiệu quả với hàng ngàn cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hơn 4,8 triệu lượt thanh, thiếu niên tham dự… Những kết quả trên cho thấy tác động thiết thực, tích cực của Đề án đối với bộ phận thanh, thiếu niên trên cả nước.
Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn và hạn chế trong quá trình tiến hành Đề án, ông Nguyễn Duy Ngà, đại diện Bộ Công an cho biết, công tác phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án giữa các bộ, ban, ngành còn chưa tích cực, việc huy động nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống của thanh, thiếu niên để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Đề án vẫn tồn tại một số hạn chế nên cần sự phối hợp đồng bộ, thiết thực hơn nữa giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức để kịp thời khắc phục và có thể triển khai hiệu quả Đề án được đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Long Hải đã trao Bằng khen cho 18 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án. 

Đọc thêm