Triệu chứng kẹt xe

(PLVN) - Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán. Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ, hai con.
Tranh minh họa: V. Học

Ông còn lấy cái uy của người cha hô hào các con “Gia đình mình phải có mặt đầy đủ trước khi bên truyền hình đến. Họ sẽ ghi hình đầy đủ”. Ông tưởng lệnh của ông ban ra sẽ được mọi người răm rắp như ở viện ông, do ông là Viện trưởng. Ngờ nghệch quá. Quân nghĩ. Anh không phải một trong số những con vẹt đó. Lời nói của ông chỉ có hiệu lực tuyệt đối, khi mà ông có khả năng tuyệt đối chu cấp cho mọi nhu cầu của các con. Ở Viện X. ông được coi là cán bộ gương mẫu. Nhiều nhà trong một nhà. Nhưng ông thường chỉ khiêm tốn nhận mình là nhà văn hóa kiêm nhà văn.

Quân vẫn đang sở hữu một căn nhà bố cho, dù với anh nó còn đơn giản. Bố lại tập hợp, ông cũng đã gọi điện trước đến giám đốc nơi anh làm việc xin cho con nghỉ. Chẳng cớ gì anh lý do lý trấu. Đến thì đến nhưng chân tay bải hoải, lòng dạ không phục. Một buổi ghi hình về nhà văn hoá Kiệm kiêm nhà văn, vừa cho in tập thơ đầy đặn một trăm năm mươi trang do ông đầu tư gần năm mươi triệu. Truyền hình sẽ xoáy sâu vào thái độ làm việc không mệt mỏi của nhà văn hoá, cộng thêm tài năng sáng tạo nghệ thuật. Người mà hơn một năm trước từng phát biểu trong một cuộc họp của ngành văn hoá rằng: văn chương là một thú chơi tao nhã, thưởng thức văn chương còn là trò giải trí bác học. Cả Viện X. rạo rực chờ đón ngày này. Một sự kiện trọng đại với Viện X. Riêng khâu chuẩn bị đã răm rắp từ hơn một tuần trước. Từ trên xuống dưới đều nể nhà văn hoá bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài, đã được phong hàm giáo sư. Ông Kiệm đã gương mẫu đi làm sớm hơn, ăn mặc phong độ, đầu tóc keo bọt bóng lộn, giày ngày nào cũng sai người gọi trẻ đánh ngoài phố, nước hoa xịn xịt không tiếc tay. Riêng cơ quan phải bảo đảm sạch sẽ từ trong ra ngoài, cây cảnh được thay mới và tưới tắm hàng ngày, cửa kính lau bằng nước con vịt thơm tức mũi… Nhìn vào cơ quan sẽ thấy được thái độ của người lãnh đạo. Sau phần quay ở cơ quan, đoàn sẽ chuyển về nhà riêng để cận cảnh quay cuộc sống giản dị, đức độ của ông.

Tuy chẳng tự ca ngợi mình tử tế, nhưng Quân thấy mình có học hẳn hoi, thừa biết những việc làm của bố mình có ảnh hưởng thế nào đối với sự nghiệp quan trường của ông. Ông luôn dạy con cái sống giản dị. Lời dạy của ông hằng ngày xác suất từ “giản dị” hơi bị nhiều. Đối với ông, cái danh chỉ là thứ phù du. Thế ông thích lên truyền hình làm gì? Truyền hình chẳng là thứ sẽ phóng to những việc làm bé nhỏ của ông lên tầm vĩ đại sao? Cánh nhà báo đến viết bài tán dương. Cứ thế, thường bài viết về ông được họ nhấn mạnh hơn cái đức độ và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Viện X. Trên mặt báo bao giờ cũng có hình ảnh của cái đầu hói, mà ông ý nhị vén mớ tóc loà xòa che bớt đi. Cặp kính lão dày cộp. Quân nghĩ, bằng giá nào mình cũng phải có mặt trong buổi ghi hình của bố. Con cái nhà văn hoá không thể thiếu vắng, sự có mặt của chúng sẽ khiến cho những cảnh quay sinh động hơn. Vợ ông, người đã đẻ ra mấy anh em Quân không còn. Ông kịp trang trí cho mình một người vợ lẽ chưa chính thức. Ông bảo có lẽ chẳng cần đăng ký làm gì, cứ về sống, đem hạnh phúc đến cho nhau là ổn, đỡ rườm rà. Cô tên Thanh Thanh, kém Quân sáu tuổi, cũng là nhân vật không thể thiếu trong buổi ghi hình.

Đường quá đông đúc. Quân vít ga từ từ cũng đã có lúc suýt đâm đuôi xe trước. Trong ngàn vạn kiểu dáng mũ bảo hiểm của những công dân chấp hành lệnh của chính phủ, cũng có cái chủ nhân của nó chỉ đội với ý chống đối. Nhìn bề ngoài chỉ thấy màu sắc của mũ. Nhưng nếu không đội mũ, người ta sẽ thấy rõ ngàn vạn cái đầu là ngàn vạn kiểu tóc, cỡ đầu to nhỏ… Trong số những người đội mũ kia, kiểu gì cũng có chữ “nhà” như nhà thơ hay nhà khoa học. Còn giáo sư với tiến sĩ thì không kể xiết.

Chẳng đi thì sợ ông trách phạt, mà đi thì… uống trà tắc. Quân là người ít thích di chuyển. Cơ quan gần với nhà ở, chỉ cần đi bộ vài bước là tới. Có người cần gặp hay bạn bè rủ nhậu nhẹt, anh thường hướng dẫn họ đến những quán gần nhà mình. Chủ quán vùng này nhẵn mặt anh, họ lấy lòng anh bằng cách thi thoảng giảm phần trăm. Nên sự bắt buộc phải di chuyển này có thể tổn thất của anh mất một tuổi, theo anh nghĩ. Nó không đơn giản chỉ là đi đường, hít bụi khói mà còn phải giáp mặt một ông bố trí thức muốn uốn nắn con cái bằng cái giả tạo đến điêu luyện. Sẽ lại chứng kiến ông bố kính cẩn ký tặng thơ, để chẳng bao lâu, người được tặng sẽ lại tiễn chúng vào một xó nào đó, để chuyển cho đồng nát, rồi lăn lóc ở hiệu sách cũ, hoặc nhảy vào lò tái chế. Vân vân. Con người hiện đại luôn rẻ rúng những thứ gọi là nghệ thuật bác học. Trong mớ hỗn độn cũ - mới; cổ lỗ - tân thời, người ta thích kiểu mỳ ăn liền hơn. Ai cũng cho trình độ của mình hơn người, một tập thơ chẳng thể quấy rối khả năng văn hoá của mình được. Nhưng người ta xảo trá đến độ ngay cả những người có chiều sâu sắc sảo như nhà văn hoá Kiệm phải gật đầu. Từ đã! Không, Quân nghĩ lộn. Chưa chắc ông già mình dễ dàng nghĩ như vậy. Chắc ông thừa biết sản phẩm của mình sẽ bị tống khứ nhanh chóng khỏi cuộc sống của người được tặng thôi, nhưng chí ít thì ông cũng được hãnh diện mình đã làm ra quá nhiều sản phẩm văn hoá và tinh thần.

Chẳng muốn nghĩ đến những chuyện xe pháo đông đúc thế này. Có điên ruột lên thì người ta vẫn đẻ, thành thị vẫn là chỗ để người ta tung ra đủ các ngón nghề kiếm sống. Lúc này, quên kẹt xe đi, nghĩ đến ông cụ thì hơn. Ông cụ có thể về hưu để an nghỉ, nhưng người còn muốn nắm quyền vớt vát vài năm nữa, để cống hiến. Và nếu bố anh không được quyền ra lệnh nữa, hẳn ông sẽ buồn biết bao. Có những gã sắp chết vẫn muốn vợ con thuê người về để mình ra lệnh. Đến được cơ quan của bố thì mọi cảnh quay đã xong. Nhà văn hoá Kiệm nhìn con trai, uất ức dâng lên tận cổ, nhưng ông vẫn phải ngơ đi để cười với truyền hình. Cô Thanh Thanh - người tình của ông bố duyên dáng trong bộ cánh mới mà cô tiết lộ cho vợ Quân rằng: “Của anh Kiệm sắm cho đấy, có gần chục triệu”…

“Thôi, về nhà tất đi. Ghi ở nhà” - ông cụ gắt. Quân quay ra dắt xe về trước, xe riêng đưa những người còn lại về theo. Đoạn đường này không quá đông nên anh có thể phóng lướt. Ông cụ vừa vào nhà đã hỏi “Anh Quân bận đi làm à?”. Quân giật thót: “Không, con xin lỗi bố, bị kẹt xe bố ạ”. “Tôi đã dặn là đừng làm lỡ việc. Anh bằng ngần ấy không biết tính toán làm sao cho đúng giờ”. Mấy anh làm phim phải can thiệp mới khiến tính nóng của ông cụ thổi bùng lên. Cảnh quay ở nhà rọi vào những sinh hoạt và giờ giấc làm việc của ông Kiệm, nên khuôn mặt ông rất đỗi phải nhất nhất vừa thanh thản, vừa nghiêm nghị, làm sao thật thoải mái mới thấy tầm vóc ông không bị cứng trên màn ảnh. Truyền hình khen giọng ông hay, dễ ăn nhập với đạo diễn. Đúng, đâu chỉ vài lần ông đứng trước ống kính. Khuôn mặt ông giãn ra, rói tươi. Nhà văn hoá mẫu mực rất thích ôm cô Thanh Thanh để ghi hình, cô gái mà ông trân trọng tôn là “con chim nhỏ”. Điều này khiến không chỉ con cái mà nhà phim cũng thấy phản cảm. Họ chỉ thốt lên những tiếng cười. Ông Kiệm thường sâu sắc, nhưng chuyện tình cảm thì nông nổi. Cô Thanh Thanh duyên dáng ngồi cạnh ông Kiệm đúng lúc này lại bị cái bụng dở chứng. Cô xin phép vào nhà vệ sinh hai phút. Năm phút sau cô đi ra, khuôn mặt vẫn nhăn nhó, rồi cơn đau bụng dữ dội đổ dồn. Ông Kiệm như đứt từng khúc ruột. Cả nhà cuống quýt lên. Riêng khuôn mặt đang đầy đặn thần sắc và học thức của ông Kiệm chuyển sang tai tái. Dừng quay lại. Ông Kiệm hét: “Đưa cô ấy đi bệnh viện thôi”. Lúc này, chỉ mình Quân là có thể làm được việc này. Ông Kiệm nghĩ mình cần phải hoàn thành buổi quay phim, không thể dừng giữa chừng. Ông lại ra lệnh cho con trai, với thái độ như cầu khẩn. Vì đàn bà, sao ông có thể trở nên yếu đuối đến thế.

Đặt Thanh Thanh ngồi sau xe Quân, ông không quên nói đưa cô ấy đi cẩn thận, quay xong sẽ vào viện luôn. Hưởng ứng cho lời ông, chiếc xe xả ra chút ít khói đen. Thanh Thanh rướn lên ôm lấy người Quân cho chắc.

Ra ngoài phố lớn, Thanh Thanh cười khanh khách, ôm Quân chặt hơn. Quân khó hiểu hỏi em khỏi nhanh thế? Thanh Thanh cười sặc: “Em chả đau đâu. Giả vờ chút xíu thôi. Chẳng qua em muốn thoát khỏi không khí ngột ngạt đó. Ông già anh chỉ thích danh hão thôi. Cả tháng nay ông ấy chả đụng chạm vào em, yếu lắm rồi. Em chỉ thích ở bên anh. Này, nhưng em báo cho anh một tin, em có mang rồi đấy”. Quân hỏi “Với ông già à?” “Không, của anh đấy, nên bỏ hay để?”. Quân bảo: “Vậy ư, thật chứ? Cứ để rồi tính”. Quân hơi nghiêng đầu bảo Thanh Thanh: “Chịu em đấy. Một người nhiều kinh nghiệm như bố anh em cũng lừa được”.

Ở nhà riêng nhà văn hoá Kiệm, cánh làm phim nhận tiền bồi dưỡng. Ông Kiệm hớt hải bảo lái xe đưa ông vào viện với Thanh Thanh. Trời ơi, hẳn là cô ấy đang đau lắm. Ông giận dữ, quát cả lái xe vì thấy anh chậm chạp. Đông đúc là đặc điểm của thành phố này. Ông lại bị ngáng trở giữa đường. Nhìn đèn đỏ, nhìn dòng người nối đuôi nhau dừng lại mà ông nóng bừng. Sao tắc nghẽn cái lúc này cơ chứ! Ông Kiệm rút khăn mùi xoa lau mặt, nghĩ đến những tiếng kêu la của Thanh Thanh. Cô chắc mong ông vào lắm.

Ông già ngây thơ vẫn đóng băng ở nơi kẹt xe…