Miền thương nhớ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngót hơn hai mươi năm đằng đẵng xa quê, tôi đã sống một cuộc đời khác nơi những miền đất khác. Trên những chuyến đi về thăm nhà vội vã, tôi bỗng thấy mình như một người con mắc nợ với chính gia đình, quê hương. Tôi nợ cả câu hát, lời ru từ thuở ấu thơ để quá nửa đời người vẫn chưa hiểu hết một cõi ân tình.
Những miền quê yêu dấu. (Ảnh minh họa: MT)
Những miền quê yêu dấu. (Ảnh minh họa: MT)

1. Cõi ân tình trĩu nặng ấy được chưng cất từ muôn điều thân thuộc hiện diện mỗi ngày ở nơi chốn thân thương: một dòng sông xanh trong uốn lượn, ôm trọn cả dải đất làng; một con đường làng quanh co, gồ ghề đá sỏi; một mái nhà ấu thơ chở che tôi đi qua bao mưa nắng thăng trầm...

Việc đầu tiên khi về lại quê nhà, tôi thường múc một gầu nước giếng mát trong khoả lên đầu, lên mặt, gột rửa hết bụi bặm đường xa. Rồi ngủ một giấc thật say dưới mái hiên nhà, nghe ngọn gió nồm từ dòng sông lồng lộng thổi bạt lên hoà cùng văng vẳng tiếng gà trưa nhảy ổ. Khoảnh khắc ấy chợt thấy lòng mình an yên đến lạ thường.

Chạnh lòng thương đến nôn nao khi khẽ nắm đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc đã chăm bẵm, nâng niu, trau chuốt cho đàn con suốt một cuộc đời lặng thầm khó nhọc, vệt vệt thời gian đã hằn in lên vầng trán, khoé mắt chằng chịt vết chân chim của đấng sinh thành. Yêu sao bếp mẹ đơn sơ đượm nồng lửa ấm, tí tách reo vui mỗi sớm mỗi chiều. Căn bếp gửi gắm vào đó ân tình của mẹ cho những bữa cơm dẫu đạm bạc mà đặn đầy mỹ vị yêu thương.

Tấm tình thơm thảo của người quê từ trong tiếng gọi, câu chào trọ trẹ chân phương mà cưu mang biết bao điều thiết thân, gần gũi. Sự chia sẻ, đỡ đần nhau việc lớn việc nhỏ như một thông lệ giản đơn mà thành sợi dây gắn kết bền sâu nghĩa xóm tình làng. Bởi vậy, nên lỡ có va chạm, xích mích chăng nữa cũng dễ dàng hỉ xả rất nhanh.

2. Người thành thị, thảng hoặc có câu nói cửa miệng “người nhà quê” trong giao tế như một sự phân biệt. Thật lạ, tôi không hề thấy tổn thương mà trái lại còn tự hào vì mình được làm người nhà quê. Tôi mến yêu, trân quý nghĩa tình thảo thơm, đậm đà kiểu... nhà quê ấy.

Lối ứng xử chất phác, thân tình đã trở thành nếp sống được truyền đời, không câu nệ, hình thức. Chẳng thế mà, có nhiều cụ ông, cụ bà, thi thoảng “khăn gói quả mướp” ra phố thăm con cháu được ít hôm đã nằng nặc đòi về chỉ vì nhớ nhà, nhớ xóm giềng, lo lắng cho đàn gà, đàn lợn, cây trái vườn nhà không có ai trông nom.

Cũng có người biền biệt xa quê đến nỗi khi về chẳng còn ai thân thích, ký ức đã mòn hao hết thảy mà cuối đời vẫn đau đáu tâm niệm quay về để ký thác thân xác vào đất quê. Còn người ở phố, mỗi khi nhận được quà quê bố mẹ gửi lên, lại rưng rưng cảm động, xốn xang như được sống giữa quê nhà, vơi đi bao nỗi nhớ thương gia đình, người thân. Thậm chí, có người mỗi lần về lại quê nhà, còn mang theo cả những giống cây, nắm đất lên phố gieo vào khu vườn của mình như một cách để nhắc nhớ về nguồn cội...

3. Thử hỏi, cuộc đời ta còn được bao chuyến về quê? Hỏi, ta còn bao nhiêu cơ hội để được cận kề chăm sóc mẹ cha ta nữa? Những câu hỏi ấy neo vào đau đáu tâm tư của những đứa con xa xứ, như tôi bây giờ, khi mang nặng trĩu bên lòng món nợ nghĩa tình để mãi còn những nghĩ suy, trăn trở.

Cũng vì nặng gánh áo cơm nên có mấy ai được chọn nơi sống cho mình mà không phải đánh đổi, thậm chí phải hy sinh ngay cả những điều gần gũi, thiêng liêng nhất. Để rồi, từ sâu thẳm lòng mình, trong ta cứ đầy vơi nỗi nhớ mong, khắc khoải khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy cứ đặn đầy theo năm tháng, bền sâu như một cõi ân tình, hoài nhắc ta về cội nguồn, quê xứ.

Giữa phồn hoa bụi bặm, giữa tất bật mưu sinh, ta thèm lắm những phút giây yên bình, được dựa lưng vào quê nhà mà cơi nới muộn phiền, để xua đi bao âu lo, hoang hoải. Nơi chốn thân thương ấy, đã bao lần ta trìu mến cất thành lời vọng gọi trong niềm nhớ vô bờ: quê nhà ta ơi...