Trình Quốc hội chủ trương đầu tư 02 siêu dự án

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 6/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Tại Tờ trình số 211/TTr – CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là 2 dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển KT- XH đã được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2022.

Theo Tờ trình của Chính phủ về hình thức đầu tư và phân chia dự án thành phần, với Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP chia thành 7 dự án thành phần tách riêng phần GPMB và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Riêng dự án thành phần 3, đầu tư theo phương thức PPP, hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9.7km do UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1341 ha, kinh phí GPMB tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư theo Tờ trình, với Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dựng vốn NSNN và BOT, gồm: Ngân sách Trung ương (NSTW) 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương (NSĐP) 28.193 tỷ đồng, BOT 29.447 tỷ đồng...

Dự án đường vành đai 3 TP. HCM hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần, tách triêng phần GPMB và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 642,7 ha, kinh phí GPMB tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ 2022-2027.

Thẩm tra các dự án trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) cho rằng, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

UBKT đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án.

Về nguồn vốn, với NSTW, ngày 4-6, UBTV Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1124, trong đó dự kiến bố trí 5.133 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 4 và 14.233,437 tỷ đồng cho Dự án đường Vành đai 3 từ nguồn NSTW chưa phân bổ. UBKT đề nghị Chính phủ sớm trình UBTV Quốc hội cho ý kiến đối với Danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ.

Về NSĐP, hiện HĐND các địa phương đã ban hành các Nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 dự án này. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho các dự án, UBKT đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc bố trí nguồn vốn cho 2 dự án.

Về cơ chế, chính sách với Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, trước đề xuất cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án, UBKT cho rằng, dự án có sơ bộ TMĐT rất lớn, do đó nếu áp dụng phương thức đối tác công tư sẽ không khả thi về phương án tài chính và khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, UBKT cũng cơ bản tán thành với đề xuất cho phép đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (dự án thành phần 3) và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) do UBND Thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong TMĐT dự án thành phần 3.

Đọc thêm