Trịnh Xuân Thanh tiếp tục lĩnh án chung thân thứ 2

(PLO) - Sáng nay 5-2, TAND TP Hà Nội đã tuyên án Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và đồng phạm  trong vụ tham ô tài sản tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Trịnh Xuân Thanh tiếp tục lĩnh án chung thân thứ 2

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và những lời khai tại phiên tòa, HĐXX Kết luận: Ngày 27-3-2010, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Công ty Xuyên Thái Bình Dương) đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình với giá hơn 20.000 đồng/cổ phần, tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza.

Và sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương, trong đó riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với PVP Land thể hiện giá chuyển nhượng là hơn 13.000 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2 đất tại Dự án Nam Đàn Plaza.

Tổng giá trị hợp đồng giảm hơn 87 tỷ đồng so với giá đã được thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc trước đó. Trong số tiền đó có 49 tỷ đồng chênh lệch giá là tiền của Nhà nước và đã bị các bị cáo chia nhau chiếm đoạt với số tiền cụ thể là Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 14 tỷ đồng; Đinh Mạnh Thắng5 tỷ đồng; Đào Duy Phong 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh 2 tỷ đồng và Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng.

Theo nhận định của HĐXX, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và Thái Kiều Hương khai báo không thành khẩn, gian dối. Tòa án Hà Nội xác định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vị trí quan trọng trong việc chuyển nhượng cổ phần, là người trực tiếp ký các văn bản duyệt mức chuyển nhượng cổ phần không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần. Và các dự án của PVP Land đều phải trình qua Thanh xem xét, cho ý kiến.

Về việc giao nhận tiền tham ô, HĐXX chỉ rõ bị cáo Đinh Mạnh Thắng chuyển tiền 14 tỷ đồng cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh qua lái xe của Thanh. Sau khi CQĐT khởi tố vụ án Lê Hòa Bình, bị cáo Thắng đã chuyển lại 5 tỷ đồng và bị cáo Thanh đã chuyển lại 14 tỷ đồng cho Thái Kiều Hương. 

HĐXX khẳng định hành vi của Trịnh Xuân Thanh và 7 đồng phạm đã phạm tội “Tham ô tài sản”. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Do đó, cần phải áp dụng những hình phạt nghiêm minh, đích đáng nhằm giáo dục cải tạo các bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.

Nhận định bị cáo Trịnh Xuân Thanh là người giữ vai trò lớn nhất trong vụ án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo này án tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”.

Bị cáo Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land  bị tuyên phạt 16 năm tù và Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng giám đốc PVP Land cũng bị áp dụng 13 năm tù cùng với tội danh Tham ô tài sản.

Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí sông Đà cũng phạm tội “Tham ô tài sản”, nhận án 9 năm tù. Bị cáo Thái Kiều Hương - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan bị xử phạt 10 năm tù.

Bị cáo Lê Hòa Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 bị tuyên phạt 8 năm tù. Tổng hợp với bản án của TAND cấp cao tại Hà Nội hồi tháng 3-1017, bị cáo này phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa - nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Công ty CP Minh Ngân bị xử phạt 6 năm tù và tổng hợp với bản án hồi tháng 3-2017, bị cáo phải chấp hành mức án chung là tù chung thân.

Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (kinh doanh tự do) cũng bị áp dụng mức án 10 năm tù.

Đọc thêm