Nghị định số 82/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình,…Trong đó, đáng chú ý có 2 điều xử phạt hành vi vi phạm của người được TGPL và người thực hiện TGPL.
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về người được TGPL quy định tại Điều 51, trong đó có nhiều điểm mới và mức phạt đều tăng so với trước, cụ thể: Người được TGPL có hành vi cố ý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc TGPL trước đây chỉ phạt cảnh cáo, thì nay bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng.
Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện là người được TGPL có mức phạt tăng lên gấp đôi, từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Điểm mới đáng chú ý là xử phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động TGPL; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện TGPL.
Tương tự, mức phạt trên cũng được áp dụng cho hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện TGPL và uy tín của tổ chức thực hiện TGPL mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hậu quả, thay vì chỉ hủy bỏ giấy tờ giả mạo thì nay tịch thu tang vật là tài liệu sai sự thật. Tịch thu và kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để đủ điều kiện là người được TGPL.
Không chỉ xử phạt người được TGPL, Nghị định còn mạnh tay xử phạt người thực hiện TGPL theo quy định tại Điều 52 với 4 nhóm hành vi như sau:
Nhóm thứ nhất, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng về hành vi cho người khác sử dụng thẻ cộng tác viên TGPL, sử dụng thẻ cộng tác viên TGPL của người khác, không từ chối hoặc tiếp tục thực hiện TGPL trong trường hợp phải từ chối theo quy định,…
Nhóm thứ hai, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để đủ điều kiện thực hiện TGPL.
Nhóm thứ ba, phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng danh nghĩa người thực hiện TGPL để trục lợi, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được TGPL; sách nhiễu người được TGPL; từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện TGPL cho người được TGPL mà không có căn cứ; làm sai lệch các tài liệu trong hồ sơ vụ việc TGPL;…
Nhóm thứ tư, phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi tiết lộ thông tin về vụ việc TGPL, về người được TGPL; xúi giục, kích động người được TGPL cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL; phân biệt đối xử người được TGPL; thực hiện TGPL trong trường hợp không đủ điều kiện thực hiện TGPL.
Ngoài hình thức phạt chính, người thực hiện TGPL còn chịu hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tước quyền sử dụng thẻ cộng tác viên TGPL từ 01 tháng đến 03 tháng; tịch thu và kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2020 và thay thế cho Nghị định số 110/2013/NĐ-CP.