Trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gặp khó

(PLVN) -Chính sách trợ lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phải thay đổi trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang gặp khó khăn trong việc thay đổi chính sách này.
Samsung đang có nhiều “vệ tinh nội địa” nhất ở Việt Nam. (Ảnh: Samsung)

Nhu cầu “vệ tinh nội địa” của doanh nghiệp ngoại

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 DN; cung ứng cấp hai, cấp ba khoảng 700 DN. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 DN là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 DN là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, có 12 DN tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Tỷ lệ nội địa hoá (NĐH) của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ NĐH khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này NĐH này cao hơn.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc CTCP Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) nhận định, khi DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường rất mong muốn có những DN nội địa tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ bởi sẽ mang lại nhiều lợi ích. Như việc chủ động được nguồn cung, giảm tất cả các chi phí nhập khẩu, vận chuyển. Hơn nữa, khi DN nội địa làm phụ trợ thì DN đầu tư nước ngoài (FDI) không có tồn kho, nhưng nếu nhập nguyên phụ liệu về thì họ phải chịu tồn kho.

“Như chúng tôi làm với Canon, một ngày Hanel Plastics phải chuyển 15 chuyến đến dây chuyền của họ, họ lắp ráp xong ra container đi Hải Phòng luôn, khi đó họ đẩy tồn kho sang các nhà cung cấp nội địa là đã giảm được rất nhiều chi phí. Sau này, nhiều hãng khác như Canon, Brother, Panasonic, Samsung... cũng đều áp dụng phương án này” - ông Cường chia sẻ.

Dù vậy, theo ông Cường, trong 3 năm gần đây bắt đầu có những khó khăn nhất định. Trong đó, khó khăn nhất phải kể đến là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, cạnh tranh thế giới. Ví dụ, với Samsung, Hanel Plastics đã cung cấp sản phẩm được khoảng 5 năm, sau đó Samsung chuyển nhà máy từ Quế Võ (Bắc Ninh) vào miền Nam thì Hanel Plastics không thể đi theo được vì công ty quy mô bé. Hay Samsung Display trước đó đầu tư khá lớn (khoảng 4 tỷ USD) ở Yên Phong và Quế Võ (Bắc Ninh), cũng cung cấp được khá tốt cho họ, nhưng vừa rồi họ đã dừng. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định: “Họ có thể đầu tư vào, họ có thể di chuyển, nhưng DN nội địa mình thì vẫn phải tiếp tục “chiến đấu”.

Vướng mắc trong chính sách “trợ lực”

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh, hạn chế của các DN CNHT hiện nay vẫn được nhận diện là “nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng”. Việc đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển tại các DN CNHT cũng đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đúng mức. Mối liên kết giữa các DN CNHT với các DN FDI chưa chặt chẽ, mặc dù trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc kết nối các DN CNHT trong nước với các tập đoàn đa quốc gia. Chưa kể, hạ tầng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa được tương xứng, gây ra sự quan ngại cho các DN khi đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, theo ông Tuấn Anh, việc chính sách trợ lực cho DN CNHT cũng đang gặp nhiều vấn đề. Cụ thể, Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT được ban hành từ năm 2015, những biến động mới trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện nay cho thấy cần thiết phải sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Bộ Công Thương cũng đã được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định này từ năm 2020, tuy nhiên trong quá trình sửa đổi lại gặp rất nhiều khó khăn.

“Khó khăn ở đây tôi muốn nhắc đến là quan điểm của các Bộ, ngành trong nhìn nhận những vấn đề hỗ trợ cho DN đang còn khác nhau. Ví dụ Bộ Công Thương luôn thống nhất quan điểm là phải hỗ trợ các DN sản xuất. Nếu muốn hỗ trợ DN sản xuất thì phải sử dụng nguồn ngân sách. Điều này sẽ lại có ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương, của Trung ương” - ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP có đưa ra một điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là vấn đề cốt lõi của việc sửa đổi này, đó là cấp bù lãi suất cho các DN sản xuất sản phẩm CNHT. Trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước khác đã bày tỏ lo ngại chính sách này được ban hành sẽ có thể giống một số chương trình hiện nay đang được áp dụng chính sách tương tự nhưng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương đã giải thích, bảo vệ với các cơ quan rằng đối tượng mà Nghị định 111/2015/NĐ-CP hướng đến là các DN sản xuất. Việc Nhà nước đứng ra hỗ trợ DN trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, DN phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập DN ở mức ưu đãi.

Đây là một trong những điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành thông qua. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh khẳng định: “Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.

Đọc thêm