Theo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, 15 ngày đầu tháng 9/2016, lực lượng kiểm lâm huyện này phối hợp với Ban quản lý Rừng phòng hộ An Lão, Ban quản lý Rừng đặc dụng An Toàn và UBND các xã An Nghĩa, An Dũng, An Trung đã tổ chức 4 đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng tại tiểu khu 3B, tiểu khu 4 (xã An Trung), các khu rừng trọng điểm tại xã An Quang và An Nghĩa. Qua đó, lực lượng chức năng An lão phát hiện, bắt giữ 2 vụ khai thác lâm sản trái phép, tịch thu 1 máy cưa xăng, 0,44 mét khối gỗ các loại, hủy tại rừng 0,72 mét khối gỗ xẻ nhóm III do nằm trong rừng sâu không thể vận chuyển được.
Theo đó, rừng khu vực Bồn Dầu, xã An Nghĩa được ngành chức năng quy hoạch làm rừng sản xuất và giao UBND xã An Nghĩa quản lý. Tuy nhiên mới đây, UBND xã này đã phát hiện hàng loạt cây có đường kính tầm 40 cm trở lên, trên diện tích khoảng 9 ha rừng do xã quản lý đã bị đốn hạ, thay vào đó là cây keo con trồng được vài tháng.
Ông Đinh Văn Liên, Chủ tịch UBND xã An Nghĩa cho biết: “Xã có 3.200 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên là 2.300 ha, địa hình phức tạp, nhưng chỉ có 1 cán bộ làm công tác lâm nghiệp kiêm nhiệm, nên không thể quản lý chặt chẽ toàn bộ đất lâm nghiệp trên địa bàn. Khu vực rừng bị đốn hạ nằm xen trong khu vực rừng phòng hộ, cách xa khu dân cư. Để qua mặt chính quyền, sau khi chặt hạ cây rừng, đối tượng vi phạm tiến hành trồng keo con thay thế chứ không đốt thực bì”.
Theo số liệu thống kê của UBND xã An Nghĩa, từ đầu năm đến nay, xã đã phát hiện 27 trường hợp phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn để trồng keo, với hơn 21,7 ha. Tuy nhiên, trong số trên, xã chỉ xác định được 3 trường hợp với 3 đối tượng cụ thể, số còn lại không xác định được người vi phạm.
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây nguyên liệu giấy (cây keo lai) trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện An Lão bắt đầu diễn ra từ năm 2013 và rộ lên nhiều thời gian gần đây. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã phát hiện 147 vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, với tổng diện tích trên 160 ha. Hầu hết diện tích rừng bị phá hoặc bị lấn chiếm đều do UBND các xã, thị trấn quản lý.