“Doanh nghiệp phát triển thì Quảng Trị sẽ phát triển”

(PLO) - Trong thời gian này, tỉnh sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài, có hiệu quả và bền vững tại địa phương.
Một góc Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quảng Trị
Một góc Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quảng Trị

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất năm 2016 vừa diễn ra vào chiều 17/4 trước hàng trăm đại biểu đến từ các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Với nhận thức: “Doanh nghiệp phát triển thì Quảng Trị sẽ phát triển” nên theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chính, trước hết tỉnh cần cải thiện lại môi trường đầu tư với tiêu chí “hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch và thân thiện” để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, địa phương sẽ chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng và an toàn với môi trường. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã đề ra cho 5 năm tới (2016 -2020).

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành gấp rút thực thi đầy đủ các cam kết với nhà đầu tư. Cụ thể, không quá 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, nhà đầu tư được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư; hỗ trợ tốt công tác giải phóng mặt bằng; áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước, đất đai, bảo vệ môi trường; tối đa 4 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, tỉnh sẽ hoàn thành việc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài.

Đồng thời tỉnh cam kết cung cấp nước liên tục, đảm bảo chất lượng, thi công hệ thống cấp nước đến đồng hồ cho khách hàng đối với các dự án đầu tư tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; bố trí quỹ đất sạch để nhà đầu tư xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân; cung ứng đủ lao động và cơ sở đào tạo lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; đầu tư lưới điện đến tận chân hàng rào dự án cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó lãnh đạo UBND tỉnh sẵn sàng tiếp nhận và thảo luận với các nhà đầu tư bất kể thời gian nào (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ và thời gian ngoài giờ hành chính) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thẳng thắn trình bày các cam kết trước hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thẳng thắn trình bày các cam kết trước hội nghị

Những lời cam kết được Chủ tịch tỉnh đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ phía đại biểu. Bởi lẽ, đây là bước tiến đột phá của tỉnh nhà khi đã vạch ra các giải pháp thu hút đầu tư hết sức cụ thể và có hướng bền vững.

Theo đó, trước mắt tỉnh Quảng Trị kêu gọi đầu tư vào 19 dự án trọng điểm như: Đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; phát triển thương mại, du lịch; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, may mặc...

Được biết, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 262 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 50.300 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; 248 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 49.330 tỷ đồng. Hàng năm, các dự án đầu tư trong và ngoài nước đã tạo việc làm mới cho khoảng 2.000 lao động.

Một số dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bước đầu đạt hiệu quả cao như: Dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị, Nhà máy May xuất khẩu Hòa Thọ, Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Trị, Trạm Nghiền xi măng Quảng Trị, Nhà máy Sản xuất phân bón NPK Bình Điền, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa, Nhà máy Sản xuất nước uống tăng lực Super Horse (Thái Lan), Nhà máy Sản xuất săm lốp xe máy Camel (Thái Lan), Nhà máy Dệt may Phong Phú, Nhà máy Dệt may Hoà Thọ... đã góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.

Tuy nhiên, với nhiều tiềm năng, lợi thế về địa lý như: Đầu mối giao thông quan trọng, nằm ở trung điểm đất nước với đầy đủ các trục giao thông huyết mạch từ đường bộ, đường sắt đến đường biển của quốc gia; Trục cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông – Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), nối liền Việt Nam – Lào – Thái Lan và Myanmar (lợi thế này còn tiếp tục được củng cố và gia tăng với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)); nguồn tài nguyên biển, rừng, còn khá phong phú; điểm nhấn của việc phát triển ngành du lịch tâm linh; và nguồn lao động trẻ dồi dào luôn cần cù, chịu khó… thì vẫn chưa được tận dụng triệt để, tốc độ phát triển kinh tế của địa phương còn thấp, dưới mức trung bình của cả nước, đời sống nhân dân còn rất khó khăn.

Hy vọng, trong giai đoạn tới, với những cơ chế chính sách ưu đãi, cũng như các cam kết cụ thể của chính quyền tỉnh Quảng Trị sẽ là điểm đến hứa hẹn và hấp dẫn, thu hút rất nhiều nhà đầu tư chiến lược để biến tiềm năng thành của cải vật chất, sự phồn vinh, lợi ích cho địa phương, nhà đầu tư và người dân nơi đây; sớm đưa Quảng Trị thoát khỏi hình ảnh một tỉnh nghèo của cả nước và chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới. Điều này còn thể hiện sự tri ân dành cho mảnh đất anh hùng đã chịu nhiều đau thương, mất mát lớn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Đọc thêm