Cả đời vì gia đình
Người mẹ ấy là cô Nguyễn Thị Ái (SN 1965, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi) nhưng vào Sài Gòn mưu sinh đã gần 20 năm. Gần hai chục năm trước, chồng cô đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn giao thông, để lại hai đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau đám tang chồng, cô một mình đơn thân rời quê, dắt con vào Nam kiếm sống.
Những ngày đầu, không tìm được nơi ở, cô phải ôm con nằm ngủ ở “đầu đường xó chợ”. Để có tiền nuôi con cô phải trải qua đủ thứ nghề, rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Thương hoàn cảnh của cô, một người bạn chợ đã cưu mang và dạy cô cách nấu tàu hũ bán rong. Sau nhiều ngày mày mò học hỏi, cô Ái đã thành nghề. Duyên bán tàu hũ gắn liền với cô từ đó.
Hàng ngày, độ 2h sáng cô Ái lại phải thức dậy nấu 2 nồi tàu hũ cùng ấm nước đường. Khoảng 5h sáng, cô gồng gánh ra cổng sau Đại học Thể dục thể thao bán hàng đến tối. Dọn dẹp xong, trở về nhà thì trời đã khuya. Ba mẹ con cô lại cùng nhau nặn cho xong bột năng để ngày mai bán. Trung bình mỗi ngày, cô thu lời tầm 200 nghìn đồng, số tiền ít ỏi có ấy chỉ đủ chi trả phí sinh hoạt và lo cho hai con học hành.
Tàu hũ của cô gắn liền với biết bao thế hệ sinh viên làng đại học. Gặp ai, cứ hỏi thăm tàu hũ cô Ái là sẽ được chỉ tận tình. Họ tếu táo bảo nhau: “Tàu hũ cô Bảy Ái ngon nhất làng đại học”. Sinh viên yêu mến cô không chỉ do món tàu hũ ngon đáo để. Họ còn thích đến đây ngồi nghe cô kể chuyện. “Chất giọng đặc sệt xứ Quảng, ban đầu hơi khó nghe nhưng nghe riết rồi sẽ ghiền” - một bạn sinh viên chia sẻ.
Cô Ái tốt tính lắm. Gặp nhiều trường hợp sinh viên không có tiền trả, cô chỉ xuề xòa bảo: “Ăn đi ngại gì. Khi nào có tiền thì trả cô, không thì xem như cô cho, lớn lên đi làm nhớ tới cô mà ghé là được”.
Cô Nguyễn Thị Ái với gánh đậu hũ đã nuôi hai con vào đại học. |
Ước mơ cuộc sống tốt đẹp cho con
Tuy cuộc sống vẫn còn lắm vất vả nhưng chưa bao giờ cô đánh mất nụ cười lạc quan. Cô luôn tự an ủi bản thân: “Đời này còn nhiều người khổ hơn mình. Phải nhìn xuống để thấy mình còn may mắn, nhìn lên để phấn đấu như người ta. Cô nhớ như in những hôm trời mưa tầm tã, những ngày bị dân phòng tịch thu bàn ghế hay những buổi ế ẩm trở về trong đêm khuya. Nhưng cơ cực vì con, đó là niềm vui của người mẹ”.
Vốn không được học hành tử tế, cuộc đời vất vả với bao thứ nghề tay chân, cô Ái thấu hiểu được tầm quan trọng của việc học. Vì thế, dù có cực khổ, cô cũng lo cho 2 con mình ăn học đến nơi đến chốn. Cô chia sẻ: “Nhiều khi hai đứa thấy mẹ khổ quá. Dậy sớm, thức khuya kiếm từng đồng nên nhịn ăn, nhịn mặc. Có hôm đổ bệnh, thằng lớn đòi nghỉ học. Cô tức giận, từ mặt, nó nghe lời đến lớp lại”. Ngày nhận giấy báo đậu đại học từ hai đứa cô mừng đến khóc. Bao nhiêu công sức của cô đã được đền đáp.
Hiện, con trai lớn của cô đã ra trường và có một công việc ổn định. Cô con gái đang theo học tại Trường Đại học Thể dục thể thao TP HCM. Gánh nặng trên vai cô Ái dường như đã nhẹ bớt. Nhiều lần, các con có ý muốn cô nghỉ bán để ở nhà phụng dưỡng, cô lại nhất quyết từ chối. Cô cười bảo: “Không buôn bán, tay chân lại run cả lên. Ngồi nghe sinh viên kể chuyện thế mà vui. Nhiều đứa thương mình còn gọi mình là mẹ”. Ấy mà suốt 17 năm liền, trừ những hôm đau ốm liệt giường, còn thì gánh tàu hũ của cô vẫn đều đặn.
17 năm gánh tàu hũ nuôi con trên đất Sài Gòn, cô Ái tủi thân nhất là vào những ngày Tết không được về quê chăm sóc mộ phần dòng họ. Giờ đây, cuộc sống các con cô đã dần ổn định, cô cũng lớn tuổi nên chỉ có mong ước: “Đời tuy khổ nhưng vì con khó mấy cũng bằng không. Chỉ mong sao chúng nó thành đạt, sinh vài đứa cháu để mình ẵm bồng. Còn riêng cô thì về quê an hưởng tuổi già”./.