Lại nói về văn hóa từ chức

(PLO) - Trong một văn bản mới đây của Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tuyển chọn và sử dụng nhân tài vào bộ máy nhà nước, Thủ tướng bày tỏ kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức cán bộ, công chức, viên chức yếu năng lực, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Một lần nữa, văn hóa từ chức lại được gióng lên vào thời điểm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế vào hồi quyết liệt. Rất đáng chú ý là Chính phủ đã và đang kiểm tra các trường hợp tuyển dụng hoặc bổ nhiệm có vấn đề mà báo chí phản ảnh, đặc biệt là đối với hiện tượng “cả họ làm quan”, Thủ tướng lưu ý đến các trường hợp “người nhà lãnh đạo”.

Từ chức ở nước ta chưa trở thành nét văn hóa ứng xử phổ quát bởi rất nhiều lý do. Trong đó, có ý kiến khá thẳng thắn là trông cậy vào sự trung thực, tự giác của cán bộ có bằng giả nhưng chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, xem chừng chỉ là giấc mơ thôi. Đó không chỉ là trong việc dùng bằng giả mà còn cả những cái “giả” khác như năng lực, phẩm chất đạo yếu kém, tham nhũng,... họ cũng không thể từ chức vì những cái rất “thật” kia.

Thấy rõ tình trạng “không chịu từ chức” mà phải cách chức mới chịu nên văn hóa từ chức sẽ được đưa vào một văn bản pháp quy. Bộ Nội vụ vào năm 2016 có kế hoạch xây dựng dự thảo Nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, đến nay Nghị định này vẫn trên bàn nghị sự, do vậy, phải chờ và trong khi chờ thì văn hóa từ chức không thể đi vào cuộc sống quan trường bởi những lý do vừa nêu trên.

Người ta cũng rất khó từ chức khi chức đó phải “mua” không chỉ bằng tiền mà còn bằng các thứ khác như quan hệ, “nâng đỡ không trong sáng”, “đấu giá ghế”... Vả lại, khi việc từ chức vẫn có quan niệm cho rằng là “dại” và không ai chịu nêu gương thì từ chức để làm gì?

Từ chức có yêu cầu rất cao từ lòng tự trọng và tính liêm sỷ. Một khi thứ đó ở ta trở nên khan hiếm thì khó có thể có một nền văn hóa từ chức.

Hiện trạng như vậy nên để văn hóa từ chức trở nên thông dụng thì phải cách chức ngay những người không xứng đáng bởi khó trông cậy vào sự tự giác và liêm sỷ của họ. Như trường hợp giám đốc một cơ quan đã bị miễn nhiệm chức vụ và điều động làm công tác khác do vi phạm quy định khi đi lễ chùa trong giờ hành chính, mong rằng tiền lệ mới được tạo ra này ngày càng được áp dụng rộng rãi hơn!

Đọc thêm