Trục lợi bảo hiểm trót lọt vì có “tay trong”?

(PLO) - Trong nhiều vụ trục lợi bảo hiểm “đình đám”, nếu không có sự giúp sức của cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp như làm hợp đồng lùi thời hạn, nhận xằng đã thu phí nhưng chưa nộp cho doanh nghiệp, xác nhận đã kiểm tra nhưng quên chụp hình…, thì hành vi trục lợi đã không thể hoàn thành.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Trên thị trường bảo hiểm đến nay vẫn còn nhắc câu chuyện mà Cty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex - PJICO thấm thía hơn cả, khi cách đây 6 năm, DN bảo hiểm này đã phải chịu thiệt hại không nhỏ cả tiền bạc và uy tín khi các lãnh đạo chủ chốt phải hầu tòa và chịu trách nhiệm trước pháp luật. 
Ngày 9/10/2002, Cty TNHH Thương mại Sông Tiền (Tiền Giang) ký hợp đồng bán 16.000 kg tôm đông lạnh trị giá 144.000 USD cho Cty Taifun. Ngày 1/11/2002, lô hàng này được vận chuyển từ Cảng TP.HCM đến Hamburg (Đức) trên tàu biển Hanjin. Ngày 11/11/2002, tàu Hanjin bị cháy tại Sri Lanka. 
Ngay trong ngày tàu Hanjin cháy, Cty Việt Thái Phong do Phạm Hồng Thu làm Giám đốc (Phạm Hồng Thu là vợ của ông Hải - Giám đốc Cty Taifun) đã nhờ người đến chi nhánh Cty Cổ phần Bảo hiểm PJICO - Sài Gòn làm thủ tục mua bảo hiểm cho các container hàng xuất khẩu đông lạnh này. Ngày 26/11/2002, Cty Việt Thái Phong có công văn gửi Chi nhánh Cty PJICO - Sài Gòn yêu cầu bồi hoàn lô hàng theo đơn bảo hiểm đã mua và phí bảo hiểm đã đóng, số tiền 3,8 tỉ đồng.
Vì vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp và số tiền phải bồi thường lớn vượt thẩm quyền nên Chi nhánh PJICO Sài Gòn đã báo cáo và chuyển nội dung vụ việc cho Cty Cổ phần Bảo hiểm PJICO - Sài Gòn tại Hà Nội để giải quyết. Việc giám định bảo hiểm này được PJICO thực hiện trong suốt 2 năm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Mạnh Quân (từ khi Hồ Mạnh Quân còn là Trưởng phòng Giám định). 
Khi Trần Nghĩa Vinh và Hồ Mạnh Quân bị bắt giam, số tiền bảo hiểm trên đã được PJICO chi trả mà không qua tái bảo hiểm với bất cứ công ty nào khác. Đây là lần đầu tiên một vụ trục lợi bảo hiểm được phát hiện và xử lý hình sự. 
Không phải chỉ những vụ “đình đám” như vụ việc viện dẫn ở trên, mà trong bất kì vụ trục lợi bảo hiểm nào cũng có dấu ấn của “tay trong”, dù vô tình hay hữu ý. Ví như hành vi cấu kết với người bán bảo hiểm thường xảy ra đối với những xe khi bị tai nạn không mua bảo hiểm đối với tổn thất hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm đã hết hiệu lực.
Khách hàng thông đồng với người cấp bảo hiểm để ghi lùi ngày hiệu lực bảo hiểm nhằm hợp thức hóa hồ sơ, hoặc ghi cùng ngày hiệu lực bảo hiểm nhưng lại cấu kết với công an ghi sai ngày xảy ra tai nạn, sau đó mới thông báo với giám định bảo hiểm ngày tai nạn xảy ra cho phù hợp với ngày được ghi trong hồ sơ công  an.
Ngoài ra, khách hàng có thể cấu kết với cán bộ giám định nhằm làm tăng số lượng và giá trị tổn thất để tăng số tiền bồi thường thiệt hại khi duyệt hồ sơ bồi thường. Hành vi trục lợi này xảy ra phổ biến đối với loại hình bảo hiểm vật chất xe hoặc trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba. Khi cấu kết với xưởng sửa chữa, hành vi phổ biến là khai man về số lượng và mức độ tổn thất của các bộ phận lớn hơn tổn thất thực tế. 
Việc khai báo gian dối này chủ yếu do các chủ xe tự thực hiện trong quá trình tự ý tháo dỡ, thay thế các chi tiết và các bộ phận máy xe cơ giới khi đưa xe vào xưởng sửa chữa, đổi các phụ tùng không hỏng và đưa các phụ tùng hư hại vào rồi thông báo cho cán bộ giám định đến giám định hoặc thông đồng với cả cán bộ giám định và chủ xưởng để trục lợi bảo hiểm.
“Hiện nay, hành vi trục lợi được quy vào hành vi gian lận, lừa đảo chiếm đoạt tiền, tuy nhiên, những vụ việc này chưa được xử nghiêm khắc vì thiếu quy định riêng biệt. Hiện các công ty bảo hiểm đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn như nâng cấp hệ thống quản lý hồ sơ, đào tạo nghiệp vụ và đưa ra nhiều chương trình phối hợp với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, công tác chống trục lợi bảo hiểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều khâu then chốt nằm ở yếu tố con người khi không ít vụ việc trục lợi là do sự tiếp tay của các nhân viên bảo hiểm”, ông Phạm Ngọc Giao, Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Bảo Việt, thừa nhận.