Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa

(PLO) - Trung Quốc đưa ra một số tư liệu lịch sử, nhưng các “tư liệu lịch sử” của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện. Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của Nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoàng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán.
Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Trước các lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa”, Việt Nam hoàn toàn bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý và lịch sử.
Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa
Theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền thông qua các hành động thực thi chủ quyền mang danh nghĩa Nhà nước. Các tài liệu mà Trung Quốc đã công khai không chứng tỏ Nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ.
Năm 1898, sau sự kiện hai tàu Bellona và Huneji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, Phó vương Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là đảo bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc. Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam và không có cơ quan nào có trách nhiệm quản lý quần đảo này. Do đó, phía Trung Quốc đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.
Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai bằng chứng xác thực cho thấy Nhà nước phong kiến Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam. 
Sau khi Pháp ký Hiệp định bảo hộ năm 1874 và năm 1884 với triều đình phong kiến Việt Nam, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền với Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa như xây dựng và vận hành đèn biển, trạm khí tượng, thiết lập đơn vị hành chính và sáp nhập vào Trung kỳ, cấp giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại Hoàng Sa. 
Năm 1909, Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được các triều đình phong kiến Việt Nam thiết lập vững chắc và được Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi hữu hiệu. Pháp đã thay mặt Việt Nam phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được Nhà nước An Nam xác lập từ năm 1816. 
Năm 1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch lợi dụng bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi Phú Lâm.
Các Hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng bằng vũ lực trong Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Các Tuyên bố Cairo năm 1943, Potsdam năm 1945 và Hiệp định San Francisco năm 1951 đã liệt kê tất cả các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải hoàn trả cho Trung Quốc nhưng không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. 
Đáng chú ý, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia quá trình thảo luận ra Tuyên bố Cairo và Potsdam mà không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco, đề nghị về việc điều chỉnh Dự thảo Hiệp định để ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc đã bị bác bỏ bởi đa số 46 phiếu chống (trên tổng số 51). Trong khi đó, phát biểu của ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham dự Hội nghị, đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào tại Hội nghị.
Vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực
Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây của một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan.Tám mươi hai (82) “ngư dân” Trung Quốc đã bị bắt. 
Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951 mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Hành động sử dụng vũ lực thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không thể tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc
Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này.
Thứ nhất, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam DCCH chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 lên 12 hải lý. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.
Thứ hai, là một bên ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng theo quy định của Hiệp định, Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa, không thuộc phạm vi quản lý thực tế của Chính phủ Việt Nam DCCH. Nước CHXHCN Việt Nam, Nhà nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976, đã ngay lập tức kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã có tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc họp khẩn cấp về hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ không thể tạo ra chủ quyền.
Năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn. Do vậy, đến tháng 9/1975, với cương vị là Phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với Lãnh đạo Việt Nam - Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rút giàn khoan và các phương tiện khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự trong tương lai. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp, kể cả tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc 1982.
Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao)

Đọc thêm